60 NĂM VIỆC NƯỚC VỚI 6 ĐỜI VUA LÊ CỦA ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ (tiếp phần 3)
(.... tiếp phần 3)
Cụ Đinh Văn Tả mất ngày mồng 4 tháng 5 năm Ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa, tại quân doanh ở kinh đô Thăng Long, thọ 87 tuổi. Vua lệnh cho các quan đại thần cùng các quan bộ Lễ hộ tống linh cữu Cụ về quê Hàn Giang, Hải Dương an táng theo nghi lễ Vương giả. Vua Hy Tông và chúa Dương Vương thân hành tới nhà điếu phúng. Nội ngoại phủ ban tuất 6.000 quan tiền, 100 hốt bạc và 500 tấm lụa. Cụ được mặc nguyên phẩm phục triều đình gồm áo, mũ, cân đai, mạng, đeo gươm vàng, mang cờ lệnh như lúc sinh thời khi Cụ đương chức Đại đô đốc Thái úy Quốc lão. Mộ của Cụ được an táng một lần theo kiểu mộ xác ướp, bảo vệ di hài lâu dài. Vua ban tên thụy cho Cụ là Vũ Dũng. Bài vị (bảng gỗ khắc tên tuổi Cụ để thờ) được vua lệnh rước vào Liệt tiên Hoàng đế miếu trong hoàng cung, thờ ngang hàng các tiên đế vương. Hàng năm, cứ vào đầu xuân mệnh cho quan địa phương tới đền thờ tế lễ đức Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thành hoàng Đinh Văn Tả. Lại cho phối hưởng thờ ở chính miếu.
Tháng 2 năm 1942, khi thực dân Pháp mở đường (đường đôi Hồng Quang, thành phố Hải Dương ngày nay), dân công đào đất đắp đường đụng phải ngôi mộ mật táng của Cụ cùng hai phu nhân công chúa. Lúc khai quật các di vật còn nguyên vẹn. Viện Đông Dương Bắc cổ (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) về nghiên cứu xong dân làng lại hoàn táng ở mộ cũ, xây mộ nổi và lăng, chấm dứt thời kỳ mật táng.
Cụ Đinh Văn Tả là một vị tướng triều Lê trung hưng. 60 năm gánh vác việc nước, từ năm Giáp Tý (1624) khi Cụ 25 tuổi đến năm Ất Sửu (1685) khi cụ 86 tuổi, trải 6 đời vua kế tiếp: Lê Thần Tông (thượng), Lê Chân Tông, Lê Thần Tông (hạ), Lê Huyền Tông, Lê Gia Tông và Lê Hy Tông. Cụ là người trí dũng, văn võ song toàn, tài dẹp giặc nổi danh thiên hạ, ngôi vị hàng Thượng tể. Từ uy thế, danh vọng, công trạng cho đến phúc lộc thọ khảo đều gồm đủ cả, thật hiếm thấy trên đời.
Từ nhiều thế hệ đến nay, các đời con cháu của Đại vương Đinh Văn Tả và nhân dân địa phương đã bảo tồn, tôn tạo khu đền thờ của Cụ (gồm đình, miếu, lăng) tại làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn với tổ tiên. Đình làng thờ Cụ xây kiểu “tiền Nhất, hậu Đinh”, hai bên có giải vũ kiến trúc theo đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”. Theo văn bia “Tướng giỏi thời nay” khắc năm 1677 cho biết, với những công trạng của Tướng công Đinh Văn Tả, vua Lê Hy Tông đã sắc phong “Sinh phong Thượng đẳng Đại vương” và cho lập đền thờ Cụ khi Cụ còn sống vào năm 1677. Như vậy, có thể đình thờ Đại vương được xây dựng từ năm Đinh Tỵ, 1677. Trong đình có nhiều cổ vật, câu đối ca ngợi thành hoàng. Đặc biệt đôi câu đối cổ nêu được tài năng và sự nghiệp của tướng công:
Tiết việt quyền long triều túc tướng,
Phiên viên trách trọng quốc nguyên thần.
Hậu cung có 5 bài vị, trong đó có 3 bài vị thờ thành hoàng và hai phu nhân, còn 2 bài vị tả hữu thờ 36 danh tướng của làng Hàn Giang. Ngoài cổng đình có tấm bia đề hai chữ “HẠ MÔ. Ngày xưa chỉ có vua chúa, công hầu khanh tướng mới có xe ngựa, võng lọng. Nhưng khi đi qua cửa đình thờ Thượng đẳng Thành hoàng Đinh Văn Tả đều phải xuống ngựa, xuống võng đi bộ, kính cẩn một vị công thần với đất nước, một thành hoàng nổi danh một thời.
Miếu thành hoàng Đinh Văn Tả còn gọi là nhà thờ họ Đinh, làm kiểu chữ Nhị, tiền tế 3 gian, hậu cung 3 gian. Bên cạnh miếu là lăng Đại vương Đinh Văn Tả, có hợp táng cả hai phu nhân. Hiện nay tại khu di tích còn 13 văn bia nói về Đinh tướng công, trong đó có 7 văn bia khắc dựng từ khi tướng công còn đang sống, 8 văn bia có niên đại thời Lê, 5 văn bia có niên đại thời Nguyễn. Tác giả của những văn bia này phần lớn của các vị đại nho đương thời biên soạn. Khu lăng có tấm bia nón 4 mặt khắc dựng năm 1677. Đây là tấm bia quý nhất, giá trị nhất. Tấm bia nón 4 mặt này trước kia để ngoài đồng đã được con cháu Đại vương di chuyển về để ngay trong khu lăng và đã được các nhà sử học, Hán học dịch ra chữ quốc ngữ. Như vậy, công trình đình, miếu và bia nón trong khu di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia Đinh Văn Tả được xây dựng từ năm Đinh Tỵ, 1677, năm vua Lê Hy Tông sắc phong cụ Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thành hoàng.
Cùng với hệ thống văn bia độc đáo, quý hiếm và các câu đối quý giá, Ban quản lý khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đinh Văn Tả còn lưu giữ 3 bản sắc phong Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả của các triều vua Lê. Các bản sắc phong này được làm bằng chất liệu giấy đặc biệt nên đến nay đã hơn 350 năm mầu sắc, nét chữ và dấu ấn nhà vua vẫn còn nguyên mầu sắc.
Ngày 29/01/1993, Bộ Văn hóa có Quyết định số 68/QĐ công nhận khu tưởng niệm Đình, Miếu, Lăng Tướng công Đinh Văn Tả là khu di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Ngày húy kỵ của Đại vương (ngày mùng 4 tháng 5 âm lịch), con cháu dòng họ Đinh Hàn Giang, Hải Dương tổ chức tế lễ theo nghi thức cổ truyền, thành kính và ngưỡng mộ. Hàng năm, vào ngày mồng 8 tháng 3, con cháu dòng họ Đinh của Hàn Giang sinh sống ở mọi miền đất nước hành hương về đình cùng nhân dân địa phương tưng bừng tổ chức lễ hội tại khu di tích Lịch sử - Văn hóa Đình – Miếu – Lăng Đinh Văn Tả, tưởng nhớ công ơn của Tướng công cùng phu nhân cùng dịp với lễ hội Hoa Lư (Ninh Bình) kỷ niệm vua Đinh Tiên Hoàng.
Để ghi nhớ công đức của Đại vương Đinh Văn Tả đối với quê hương, đất nước, tỉnh Hải Dương đã đặt tên Đinh Văn Tả cho một khu phố và một trường tiểu học tại phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương.
(còn tiếp phần 4)