CÁC DI TÍCH LIÊN QUAN ĐẾN ĐÌNH - ĐỀN THỜ ĐINH TIÊN HOÀNG
Đình Bườn
Ngọc phả đình Bườn cho biết: Đào Nương, người mà dân địa phương thường gọi là Đàm hoàng thái hậu, thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh, thường cùng ông đi đánh dẹp các sứ quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh cùng Phùng Gia và các tướng tiến quân đến địa đầu huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường thì bị một sứ quân chặn đánh. Ông lập đồn luỹ ở thôn An Biện (tức làng Bườn) vừa chống cự, lại vừa phát triển thêm lực lượng. Nhiều nhân sĩ, trong đó có Cao Mộc, đã về căn cứ Bườn giúp ông. Sau một thời gian, ông để mẹ lại căn cứ, còn mình cùng với các tướng lĩnh đi đánh dẹp ở các nơi khác. Sau khi giành được thắng lợi, định đô ở Hoa Lư, ông cho người trở về An Biện đón mẹ, mới được biết mẹ ông đã qua đời. Đinh Bộ Lĩnh phái hai tướng là Phùng Gia và Cao Mộc về An Biện trông coi lăng mộ Đào Nương. Rồi Cao Mộc cũng mất tại đây. Nhân dân trong vùng thương tiếc, chôn cất và thờ phụng ông. Hiện nay tại thôn Bườn còn bốn di tích liên quan đến sự kiện này là Lăng Bà (lăng mộ bà Đào Nương), Lăng Ông (lăng mộ của Cao Mộc), Miếu Trúc (miếu thờ Phùng Gia) và Đình Bườn là nơi thờ chung mẹ vua Đinh cùng Cao Mộc và Phùng Gia. Sự hiện diện của mẹ vua Đinh ở Mỹ Thắng, Mỹ Lộc xác nhận nơi đây là một căn cứ quan trọng của Đinh Bộ Lĩnh trong thời kỳ đầu chiêu binh dẹp loạn 12 sứ quân.
Đình Xám
Đình Xám nằm ở thôn Lạc Đạo, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực. Đình thờ Trần Minh Công tức Trần Lãm. Thời Hậu Ngô Vương, 12 sứ quân cát cứ dẫn đến tình trạng tranh chấp thôn tính lẫn nhau. Thời đó, Trần Lãm chiếm cứ vùng Bố Hải khẩu (Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh được nhân dân các địa phương ủng hộ đã đứng lên thu giang sơn về một mối. Ông liên kết với sứ quân Trần Lãm để tăng cường lực lượng. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, phong cho Trần Lãm chức Phụ dực quốc chính thượng tướng công, cấp cho thực ấp tại đạo Sơn Nam (nay là Nam Định). Tuy nhiên theo chính sử thì Trần Lãm mất trước khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi năm 968.
Đền Nhuệ Khê
Theo thần phả Nhuệ Khê, tại xã Đệ Tam có Trần Viết Dũng, xã Nhuệ Khê có Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, xã Năng Lự có Trần Xuân Tiền, Trần Thị Thuỷ, xã Bình Giã có Lương Văn Hoằng, Ngô Tất An tham gia đội quân của Đinh Bộ Lĩnh. Anh em Đức Long, Đức Học cùng 30 người thuộc 5 họ: Nguyễn, Trần, Hoàng, Bùi, Mai lúc đầu theo về với Trần Lãm nhưng đến khi Đinh Bộ Lĩnh nắm giữ binh quyền, lại hết lòng tự nguyện phò tá ông. Nhờ có công thu phục được sứ quân Phạm Bạch Hổ và đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc mà Đức Long được phong làm Hùng trấn tam kỳ giang châu tướng quân, Đức Học được phong là Nhuệ Khê mạc trung duệ tiết tướng quân.... Dân làng Nhuệ Khê đã dựng sinh từ thờ Trần Lãm và hai ông Đức Long, Đức Học. Trong đền thờ, vị hiệu của Trần Lãm được đặt trên và dưới là vị hiệu của hai ông. Khi các ông mất, dân làng sửa đền tạc tượng và thường xuyên hương khói.
Đình An Nhân
Đình An Nhân nằm ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản. Đình thờ Tạ Sùng Hy, người vùng Hoa Lư, Ninh Bình đến An Nhân, Thành Lợi, Vụ Bản dạy học, rồi bắt đầu từ đây đi theo Đinh Bộ Lĩnh. Ông là người có công phá vòng vây của Ngô sứ quân cứu thoát Đinh Bộ Lĩnh. Mang nặng ân nghĩa với Tạ Sùng Hy, Đinh Bộ Lĩnh đã phong ông là Sùng Hy đại vương, cho nhận thực ấp ở Thiên Bản (Vụ Bản). Khi Tạ Sùng Hy mất, nhân dân trong vùng tổ chức chôn cất, vua Đinh sai quan về làm lễ. Hàng năm cứ đến ngày sinh của Tạ Sùng Hy, vua đều ngự giá về đình An Nhân (đình thờ Tạ Sùng Hy) để làm lễ, biểu dương công trạng và diễn lại cuộc vây cứu.
Đền Bách Cốc
Đền Bách Cốc nằm ở xã Thành Lợi, Vụ Bản. Trước kia khu vực này cũng có đền thờ Vua Đinh nhưng bị chiến tranh tàn phá chưa khôi phục lại được. Đền có bức đại tự “Thượng đẳng linh từ”. Hậu cung thờ Thái hậu Dương Vân Nga, tương truyền bà đã từng về đây đốc thúc binh lương, nhân dân lập đền thờ, tôn là Thành hoàng làng. Đền Bách Cốc cũng phối thờ Đinh Tiên Hoàng.
Đền An Lá
Đền An Lá nằm ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực thờ Nguyễn Tấn, một vị tướng của nhà Đinh. Ngay từ nhỏ Nguyễn Tấn học hành thông minh, võ nghệ siêu quần. Trong cảnh đất nước bị rơi vào loạn 12 sứ quân, ông đã đứng lên tập trung trai tráng được vài trăm người, thường xuyên luyện tập võ nghệ.
Theo thần tích đền Gin, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thì năm 967, sứ quân Kiều Công Hãn bị Đinh Bộ Lĩnh tấn công thất trận phải tháo chạy. Khi Kiều Công Hãn qua vùng An Lá thì Nguyễn Tấn đem dân binh đến tập kích chém trúng cổ. Kiều Công Hãn chạy về đến vùng đất Hiệp Luật thì hóa. Dân làng Hiệp Luật trông thấy sợ hãi bỏ đi. Dân làng Bái Dương lấy chiếu ra đắp. Sáng hôm sau, mối đùn thành mộ che kín khắp người. Nhân dân gọi là mộ thiên táng. Người dân ở đây nghĩ rằng Kiều Công Hãn là người cùng quê nên rút chân nhang ở mộ vào đền thờ. Ngày nay cứ đến 10-3 âm lịch, dân làng Gin lại đánh cá để tế, tưởng nhớ Kiều Công Hãn, trong khi dân làng An Lá (đều ở Nam Trực, Nam Định) lại gói bánh để tế, tưởng nhớ chiến công của Nguyễn Tấn, nên dân gian có câu: "làng Gin đánh cá, làng Lá gói bánh".
Như Quỳnh- Phòng VHTT Giao Thủy