NẾU LÀ CON MẸ CON CHA THÌ SINH Ở ĐẤT DUYÊN HÀ, THẦN KHÊ...
Nhìn bề ngoài, làng Đô Kỳ (xã Đông Đô, Hưng Hà, Thái Bình) không khác bất kỳ một làng quê nào của tỉnh lúa, với vẻ bình lặng êm đềm, với những khóm tre xanh và đồng lúa vàng rực hai vụ chiêm mùa. Thế nhưng rất ít người biết rằng cách đây ngót sáu thế kỷ, Đô Kỳ từng là nơi định cư của một “Khai Quốc Công thần” triều Lê, và hơn thế nữa, làng quê này còn được cho là nơi sinh của vị vua anh minh, hùng tài đảm lược nhất trong lịch sử Việt Nam: Vua Lê Thánh Tông ...
Vùng đất trước, nay là các xã Đông Đô, Tây Đô, Chi Lăng huyện Hưng Hà thuộc về hai huyện Duyên Hà và Thần Khê của phủ Tiên Hưng trấn Sơn Nam Hạ. Hai làng Mậu Lâm, Đô Kỳ thời đó là xã Mậu Lâm và xã Đô Kỳ. Xã Mậu Lâm có 2 làng là làng Sâm, làng Sành. Xã Đô Kỳ có các làng Duyên Trường, Khánh Lai, An Nội, Phú Lễ, Đồng Phú, Phú Năng.
Gia phả họ Đinh ở Đô Kỳ cho biết, thuỷ tổ họ này là cụ Đinh Thỉnh gốc làng Thuỷ Khối (nay thuộc Thọ Xuân, Thanh Hoá) vốn là người học rộng biết nhiều, văn hay chữ tốt. Đinh Thỉnh dạy học ở nhà ông họ Phạm đất Đô Kỳ, lấy con gái nuôi của họ Phạm rồi định cư luôn ở quê vợ, sinh ra Đinh Tôn Nhân. Biết Lê Lợi ở Lam Sơn là người anh hùng, nuôi chí diệt giặc Minh rửa nhục cho đất nước, cha con ông Đinh Thỉnh và Đinh Tôn Nhân tìm về theo và được Lê Lợi rất yêu quý, ông Lê Khoáng gả con gái cho Tôn Nhân, ông bà sinh được Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt.
Khi Lê Lợi hội thề ở Lũng Nhai, xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt đều trở thành tướng lĩnh dưới cờ Bình Định Vương.
Trong trận vây thành Thăng Long, Đinh Lễ bị gặc bắt, do không chịu khuất nên ông bị Vương Thông giết, lúc đó ông có một người con gái nhỏ tên là Đinh Thị Ngọc Kế. Cha hy sinh, Ngọc Kế ở với chú là Đinh Liệt, sau lấy Ngô Từ, một vị tướng của Bình Định Vương, sinh ra Ngô Thị Ngọc Giao, chính là mẹ của Vua Lê Thánh Tông sau này.
Về Vua Lê Thánh Tông, sử chính thống đều ghi là ngài sinh ở chùa Huy Văn (Hà Nội) vào ngày 20 tháng 7 năm Tân Dậu (1441), lên 3 tuổi được phong làm Bình Nguyên Vương. Nhưng những câu chuyện về ngài qua ký ức dân gian vùng Đô Kỳ thì lại khác...
Dân gian kể rằng khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì Tiệp dư họ Ngô trở dạ, nhưng mãi không sinh được.Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng:
“Có phải con mẹ, con cha
Thì sinh ở đất Duyên Hà,Thần Khê ”.
Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một Hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh ”, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đặt tên con là Lê Tư Thành.
Vì chuyện này mà vợ chồng Đinh Liệt bị bắt giam mấy năm trời, còn vợ chồng Nguyễn Trãi thì bị Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh để bụng thâm thù, và đó cũng chính là nguồn cơn của thảm án Lệ Chi Viên sau này.
Tại thôn Mậu Lâm xã Đông Đô ngày nay còn có đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến. Vốn là một bà lang mát tay, rất giỏi chữa bệnh bằng các loại dược thảo địa phương, tương truyền rằng chính bà là người đã đỡ đẻ cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao được mẹ tròn con vuông, và cũng là người cho Hoàng tử Lê Tư Thành bú sữa của mình. Khi bà mất, Vua Lê Thánh Tông đã sai lập đền thờ bà, cấp 17 mẫu ruộng để lấy sản phẩm hàng năm cúng tế. Trong đền có bức đại tự ghi ba chữ “Trung Nghĩa Nữ ” và rất nhiều câu đối ca ngợi công lao của bà. Các triều đại sau sắc phong bà là “Thanh Cung Trình Kỳ Hộ Quốc ”. Đền có một cây Quéo (xoài) và một cây đa có tuổi đời trên 500 năm, tương truyền là chúng được trồng ngay sau khi đền thờ bà Vú Sữa Hoàng Thị Hiến xây xong.
Tại làng Đô Kỳ hiện còn đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Giao và cạnh đó là một ngôi chùa, trước chùa có hai cây thị cũng trên 500 năm tuổi, chùa được cho là do Đinh Liệt xây dựng, và hai cây thị đó do chính tay ông trồng.Trong đền thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao có bức đại tự ghi 4 chữ “ Lê Triều Quốc Mẫu”.Tương truyền rằng đền chính là hậu thân của một hành cung mà Vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng cho thân mẫu của mình ở, đặt tên là “Dụ Phúc Đường”.
Khi Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao mất, dân làng và dòng họ Đinh đất Đô Kỳ mới tu sửa, biến hành cung thành đền thờ bà. Trước đây, ở bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc rìa làng Đô Kỳ còn có bốn cái miếu, dân làng vẫn gọi là Tứ Trấn hay Tứ Phủ, tượng trưng cho “Tứ Trấn bảo vệ kinh thành ”, còn hành cung - sau này là đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao ở chính giữa. ..
Giặc tan, Đinh Liệt được Vua ban cho đất Đô Kỳ làm trang ấp, ông sinh được hai con là Đinh Đột, Đinh Thế Hiển, Thế Hiển sinh Đinh Thế Thực, Đinh Thế Biểu...Lúc này, cung đình triều Lê rất nhiều chuyện rối ren. Vua Thái Tổ (Lê Lợi) băng, Thái Tông (Nguyên Long) kế vị mới 9 tuổi. Khi trưởng thành, nhà vua lập nhiều phi tần, trong đó có 3 người được ngài rất yêu quý là bà phi Dương Thị Bí, Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao.
Lúc đó, Dương Thị Bí đã sinh hoàng tử Nghi Dân và được Vua lập làm Thái tử, Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng đã sinh Hoàng tử Bang Cơ. Do sự dèm pha, vu khống của Nguyễn Thị Ngọc Anh, Vua Thái Tông phế bỏ Dương Thị Bí làm dân thường, truất ngôi Thái tử của Nghi Dân, chỉ phong làm Lạng Sơn Vương, lập Bang Cơ làm Thái tử. Khi Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao có mang, Nguyễn Thị Ngọc Anh sợ bà sinh con trai, sẽ có sự tranh dành địa vị Thái tử của con mình, nên để phòng xa, bà Nguyên phi này lại xúc xiểm, vu khống Tiệp dư họ Ngô với vua. Nghe theo lời xúc xiểm đó, Vua Lê Thái Tông đã định giết hại bà, nhưng được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ ra sức can ngăn, nên Vua chỉ đày Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao ra chùa Huy Văn.
Có lẽ chính vì thế mà chính sử đã chép rằng Vua Lê Thánh Tông sinh tại ngôi chùa này. Nhưng theo nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng (hội viên hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) thì Vua Lê Thánh Tông không sinh ở chùa Huy Văn. Bằng sự nghiên cứu công phu các cuốn gia phả như “Ngô gia Thế phả ”, “Đinh tộc Thế phả ” ở Đông Đô, “Ngọc phả họ Đinh ” và “Gia phả họ Đinh ” ở Thanh Hoá, cùng với nhiều tư liệu lịch sử khác, nhà sử học này đã cho rằng ở chùa Huy Văn được một thời gian, gần đến ngày sinh, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ.
Đô Kỳ ở xa kinh thành, là trang ấp của Đinh Liệt. Vừa là Khai quốc Công thần vừa giữ một chức vụ lớn ở triều đình, nên thế lực của Đinh Liệt ở Đô Kỳ rất lớn, hơn thế nữa mẹ đẻ của Tiệp dư, bà Đinh Thị Ngọc Kế lại đang ở Đô Kỳ với cháu là Đinh Thế Biểu, nên hoàn toàn có thể bảo vệ được cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sinh nở an toàn, tránh khỏi sự hãm hại của Nguyên phi Nguyễn Thị Ngọc Anh và phe cánh.
St admin.hodinh.vn.dinhxuanvinh
# **Vị tướng tài nhà Đinh và đền Ba Dân** Đền Ba Dân cách trung tâm huyện Kim Bảng (Hà Nam) khoảng 5 km về phía Tây Bắc. Đền thờ Đinh Nga, vị tướng tài đã có công phò giúp Đinh Tiên Hoàng (vị vua đầu tiên của nhà Đinh) thống nhất đất nước. Đền Ba Dân nguyên xưa là đền thờ chung của 3 xã Thụy Lôi Hạ, Hà Hồi và Trung Hoà nên còn có tên gọi là đền Ba Xã. Từ năm 1980, xã Thụy Lôi Hạ đổi thành xã Thụy Sơn, rồi tới năm 1990 đổi thành xã Tân Sơn đền Ba Dân thuộc thôn Thụy Sơn của xã này. Cho tới nay mặc dù 2 xã Hồi Trung và Trung Hoà đều có đền thờ riêng nhưng nhân dân 2 xã vẫn coi đền Ba Dân là trung tâm của cả 3 xã nên đều tham gia những ngày lễ hội rất đông đảo. Tương truyền vào thế kỷ X tại trang Quang Thừa (xã Tượng Lĩnh ngày nay), có hai ông bà là Đinh Điện và Trần Thị Nguỳ làm ăn chăm chỉ, hiền lành lại hay giúp đỡ mọi người song hiếm muộn con. Ông bà buồn phiền thường lên chùa gần nhà cầu nguyện xin được ban cho người con. Đến khi hơn 40 tuổi, một lần lên chùa, bà Trần Thị Nguỳ được thần báo mộng. Sau 9 tháng 10 ngày, bà sinh ra một cậu con trai tướng mạo khôi ngô tuấn tú. Ông bà đã đặt tên cho con trai là Đinh Nga. Càng lớn lên Đinh Nga càng tỏ ra thông minh lanh lợi, chăm giúp việc cho bố mẹ. Thấy vậy cha Đinh Nga đã tìm thầy dạy cho con mong sớm thành tài. Đến năm Đinh Nga 22 tuổi, ông bà Đinh Điện lần lượt qua đời. Cũng lúc đó, đất nước xảy ra loạn lạc. Các thế lực phong kiến địa phương nổi lên cát cứ tranh giành địa vị, đánh chiếm lẫn nhau, gây thảm hoạ cho nhân dân. Lịch sử gọi thời kỳ này là loạn 12 sứ quân. Trong bối cảnh đó, ở động Hoa Lư thuộc châu Đại Hoàng, một người tuấn kiệt tên là Đinh Bộ Lĩnh đã đứng lên dấy binh dẹp loạn. Nghe được tin đó, Đinh Nga vô cùng sung sướng tìm đến đầu quân và được Đinh Bộ Lĩnh trọng dụng, giao cho về vùng Thụy Lôi lập đồn trại, chiêu tập và huấn luyện quân lính nhằm tạo phên giậu che chắn cho căn cứ Hoa Lư. Đinh Nga về quê chọn thế đất cao ráo, bằng phẳng dưới chân núi Nguỳ gần sông Đáy thuận lợi cho giao thông đường thuỷ, lại là nơi có thể đi xuyên qua các vùng khác và đi tắt về căn cứ Hoa Lư. Đây cũng là nơi có thể dễ dàng khi tấn công hoặc rút lui vào núi rừng khi cần.
Dưới sự lãnh đạo của Đinh Nga, trai tráng quanh vùng kéo đến gia nhập đội quân ngày càng nhiều. Ngày nay, ngọc phả và dân gian còn nhắc đến tên những người tướng giỏi dưới sự lãnh đạo của tướng Đinh Nga như Đinh Triết, Đinh Ngân, Phạm Đức, Trần Huy, Đinh Mỹ. Họ đã giúp ông huấn luyện binh sĩ. Khi Đinh Bộ Lĩnh phát động quân lính tiến hành dẹp loạn các sứ quân, Đinh Nga đã đem quân sĩ về hội cùng. Truyền kể rằng, có lần Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh Đỗ Cảnh Thạc - một trong 12 sứ quân cát cứ đóng ở Thanh Oai (Hà Tây) - đã bị Đỗ Cảnh Thạc đem quân vậy chặt. Trong lúc nguy cấp ấy, Đinh Nga đã đem quân đến giải vây và thừa thắng tấn công tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc tại Đỗ Động Giang, góp công lớn giải nguy cho Đinh Bộ Lĩnh. Khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh được tôn lên làm vua lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt và định đô ở Hoa Lư - căn cứ của nghĩa quân trước đây. Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh đã ban thưởng cho Đinh Nga chức Tướng quân Chỉ huy sứ và cử về trấn trị tại địa bàn cũ, được hưởng lộc ấp ở huyện Cổ Bảng. Tại quê hương, ông đã cùng nhân dân lao động lập nên những trang ấp mới là Thụy Lôi Hạ, Hồi Trung và Trung Hoà (nay là 3 xã Tân Sơn, Hồi Trung, Trung Hoà) rất đông đúc. Cho đến nay, các cụ già vẫn còn truyền kể những cánh đồng xưa do ông cùng dân làng khai phá như cánh đồng Bảng rộng hàng trăm mẫu “đầu giáp núi Rộc thôn Vãn Sơn, cuối giáp sông Cổ, đất có thế như chiếc tù và, dải phướn”. Vài năm sau giặc cướp lại nổi lên, nhà Đinh cho mời Đinh Nga ra giúp. Ông đã chỉ huy quân lính đánh tan được bọn giặc cỏ gây tiếng vang rất lớn, được nhân dân ca ngợi. Nhưng cùng lúc đó, vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn ở trong triều rơi vào một âm mưu phản loạn đầu độc chết. Con thứ của Đinh Tiên Hoàng mới lên 6 tuổi là Đinh Toàn được dựng lên làm vua dưới sự phò tá của Lê Hoàn và Thái hậu Dương Vân Nga nhiếp chính. Giữa lúc ấy, nhà Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, vua còn nhỏ muốn thừa cơ xâm lược nước ta. Một thời gian sau, Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga cùng một số đại thần tôn lên làm vua để chuẩn bị lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược Tống đang nhăm nhe ở ngoài cõi.
Tận trung với nhà Đinh, Đinh Nga và một số quan lại đã bỏ triều đình, không hợp tác với nhà nước do Lê Hoàn đứng đầu. Ông trở về quê cũ Thụy Lôi giải tán quân đội do mình chỉ huy,cùng người dân lao động chăm chỉ sống cuộc sống thanh bần nơi thôn quê. Cuối đời Đinh Nga thường đi ngao du vãn cảnh an hưởng tuổi già. Ông mất tại núi Kim Nhan thuộc huyện Thanh Chương châu Hoan (nay là Nghệ An) trong một lần cùng một số bạn già đi chơi. Nhớ ơn ông - người anh hùng trong chiến tranh dẹp loạn 12 sứ quân phò giúp nhà Đinh, người có công khai phá lập làng, lập xã - nên nhân dân 3 xã đã lập đền bốn mùa hương khói phụng thờ. Ngày nay, đền Ba Dân còn giữ được những câu đối ghi công ông: *“Thái ấp hợp tam trang, Đinh Huân tướng, Lý hiển thần quang nhạc Hoa Lư sinh hoá dị’* *Phong chương truyền lịch đại, tả thành hoàng, hữu hậu thổ, cao sơn linh miếu địa thiên trường”.* Tạm dịch là “Thái ấp gồm 3 trang, công với nhà Đinh, ân phù nhà Lý, sinh hoá rất lạ của đất nước Hoa Lư; Biểu dương qua các triều, bên trái là thành hoàng, bên phải là thần đất, đền miếu nơi núi cao mãi mãi anh linh”. Hay: *“Tảo đăng kiểu hùng quân, bát loạn công cao Cồ Việt diệu. Dự phù Đinh chính thống, phân đồn tích hiểu Thuỷ Lôi Sơn”.* Tức là: “Thanh trừ loạn nước, có công lớn với đất Cồ Việt, Phù sự thống nhất nhà Đinh, rõ ràng con dấu tích đồn binh ở núi Thụy Lôi”. Dân gian còn truyền kể có lần Lý Công Uẩn vào Hoa Lư đã dừng chân nghỉ tại đền Ba Dân và được tướng Đinh Nga báo mộng giúp đỡ. Sau khi lên ngôi, nhớ chuyện xưa, Lý Công Uẩn đã làm lễ tạ ơn và sắc phong cho ông là “Nga công hiển linh đại vương thượng đẳng phúc thần”. Hiện nay ở đền còn lưu câu đối tại tiền đường: *“Bát cảnh giang thần, dan mã phù Đinh công bất hủ;* *Tam trang hiển thánh, hoàng y phụng Lý mộng do truyền”.* Nghĩa là “Giáng thần nơi có tám cảnh, một ngựa phù nhà Đinh công lao không thể mất; Hiển thánh nơi ba trang, mặc áo vàng phù nhà Lý qua giấc mộng còn lưu truyền”.
Qua năm tháng biến động của lịch sử, kể từ khi thành lập đền từ thời Đinh-Tiền Lê, đền Ba Dân đã hai lần trùng tu vào thời Lê và thời Nguyễn do công sức của nhân dân quanh vùng. Đền dựng theo kiểu chữ đinh (J) bằng gỗ lim với nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật được sơn son thiếp vàng như kiệu bát cống chạm trổ đầu rồng kỳ công. Phương du là nơi đặt bát hương khi rước với mái cong hình mui thuyền. Hương án ở giữa đền chạm dải hoa sen chính giữa là đôi rồng chầu nguyệt. Thận hương án chạm trổ nổi tứ vật tinh linh ảo, cầu kỳ. Đó là chưa kể một số di vật có giá trị khác như ngai thờ, cặp cá sấu tạc bằng đá, chiếc quán tẩy và bệ hoa sen chạm bằng đá bằng cao 1m20… Đền Ba Dân không chỉ gắn với những sự kiện thời phong kiến mà chính nơi đây, tháng 3 năm 1930 Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Kim Bảng đã ra đời lãnh đạo nhân dân địa phương và treo cờ Đảng tại núi Nguỳ đền Ba Dân, vận động nhân dân đấu tranh. Đền Ba Dân còn là nơi thuận lợi cho các lực lượng vũ trang địa phơng luyện tập, góp phần làm nên thắng lợi khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền tại địa phương ngày 20-8-1945. Ngày nay, dưới ánh sáng nghị quyết Trung Ương khoá VIII của Đảng về “xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”, chính quyền và nhân dân địa phương đã chú trọng khôi phục lại lễ hội đền Ba Dân với những trò diễn dân gian đặc sắc như đánh đu, đấu gậy, hát chèo, đấu cờ tướng, rước kiệu… Lễ hội mở ngày 10-5 (kỷ niệm sự kiện Đinh Nga cho quân về làng), ngày 10-7 (kỷ niệm ngày lập đồn trại tại quê nhà), ngày 20-7 (kỷ niệm ngày ông hội quân với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư). Đặc biệt lễ hội được tiến hành to nhất vào các ngày 8, 9, 10 tháng 2 hàng năm, kỷ niệm ngày sinh của tướng Đinh Nga làm cho đời sống tinh thần nhân dân trong vùng thêm phong phú.
**Tác giả bài viết: **Dương Hà Hiếu - Hà Văn Hoàn
admin.hodinh.vn dinhxuavinh