Nhà tình báo Đinh Văn Đệ - người có công lớn với đất nước
Ngày 24/5/2020, nhân sĩ yêu nước, nhà tình báo chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam - Ðinh Văn Ðệ đã đi về cõi vĩnh hằng. Là người con họ Đinh, những thế hệ sau cần biết về ông để tôn vinh và tự hào về một người con của dòng họ.
Đinh Văn Đệ (thường gọi là Ba Đệ) còn mang bí danh điệp viên U4 . Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những thông tin về ông mới dần được hé lộ. Ông là sĩ quan mang cấp Thượng úy của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng đã đi sâu vào hang ổ địch, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Cùng với Phạm Xuân Ẩn và Nguyễn Đình Ngọc, Đinh Văn Đệ là ba nhà tình báo chiến lược tầm cỡ của Quân đội Nhân dân Việt Nam cài sâu vào lòng chế độ Việt Nam Cộng hòa và đều ẩn mình rất hoàn hảo, không ai bị lộ cho đến ngày toàn thắng.
Là người nắm giữ vị trí Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện chính quyền Sài Gòn, từng tham gia phái đoàn VNCH sang Mỹ xin viện trợ để cứu vãn tình thế trong những ngày cuối tháng 3/1975, ông Đinh Văn Đệ đã nắm được thông tin quan trọng rằng nước Mỹ sẽ không tiếp tục can thiệp vào Việt Nam. Thông tin quý giá của ông cũng đã góp phần giúp quân giải phóng đẩy nhanh quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong mùa xuân năm 1975.
Nhà tình báo chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam - Ðinh Văn Ðệ. Ảnh Internet
Ông Đinh Văn Đệ, sinh năm 1924, quê ở tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình đạo Cao Đài có truyền thống cách mạng.
Năm 1952, ông bị động viên vào Trường sĩ quan trù bị Thủ Đức. Mãn khóa, ông đứng thứ 6 nên được về Bộ Tham mưu Đệ nhất Quân khu. Do thông minh, nhanh nhẹn, Đinh Văn Đệ được tướng Lê Văn Tỵ chọn làm trợ lý Tổng Tham mưu trưởng, thăng cấp đại úy, sau đó được thăng lên trung tá Chánh Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân lực VNCH vào giữa năm 1957.
Cuối năm này, tướng Nguyễn Chánh Thi đảo chính hụt Ngô Đình Diệm. Ông bị nghi ngờ là dính líu với lực lượng đảo chính và bị quản thúc hơn một tháng. Nhờ mối quan hệ thân thiết của bố vợ ông với ông Phan Khắc Sửu nên Ba Đệ được bảo lãnh và sau đó được vào học tại Trường Đại học Quân sự Đà Lạt và đỗ thủ khoa.
Đinh Văn Đệ sau đó được cử làm Thị trưởng Đà Lạt, rồi kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức, đến năm 1966 thì được thăng cấp đại tá và chuyển sang làm tỉnh trưởng Bình Thuận. Cuối năm 1967, ông Đệ từ chức tỉnh trưởng, ứng cử vào Hạ viện, ông đã đắc cử ở Đà Lạt và trở thành Phó Chủ tịch Hạ viện, Phó Trưởng khối đối lập.
Do có nhiều người thân hoạt động trong hàng ngũ cách mạng, trong đó có em trai là Đinh Văn Huệ - sĩ quan tình báo, sau này là đại tá - Cụm trưởng Cụm điệp báo VĐ2, nên ông Đệ cũng được giác ngộ và sau đó trở thành cơ sở của mạng lưới tình báo VĐ2.
Liên tục trong hai khóa Quốc hội trên danh nghĩa Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Sài Gòn, Đinh Văn Đệ đã cung cấp cho mạng lưới cách mạng nhiều tin tức quan trọng.
Bức thư mật của Trưởng phòng Tình báo B2 - Nguyễn Đức Trí gửi điệp viên U4 được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Tình báo Quốc phòng Việt Nam
Điển hình như tháng 1/1975, sau khi tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, Bí thư Trung ương Cục Phạm Hùng có chỉ thị yêu cầu Ba Đệ cho biết phản ứng của địch: Liệu chúng có dám tái chiếm Phước Long hay không? Nhờ có thông tin “địch đã bỏ Phước Long” do Ba Đệ chuyển ra mà ta đã tập trung hầu hết lực lượng cho trận Buôn Ma Thuột. Hơn thế, Ba Đệ còn cho hay, địch bỏ Phước Long nhưng sẽ cho không quân dội bom quần nát Lộc Ninh, thủ phủ của chính phủ cách mạng. Đúng là vài ngày sau đó địch làm thật, nhưng ta đã có phương án đối phó nên hạn chế tối đa thương vong.
Tháng 3/1975, ông Đinh Văn Đệ tham gia phái đoàn VNCH sang vận động Mỹ viện trợ khẩn cấp để cứu đồng minh đang trong cơn hấp hối. Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện VNCH, Đinh Văn Đệ đã khéo léo diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ, vẽ lên một thực trạng đen tối của chiến trường, về sự lục đục, rối ren của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu; về sự sa sút một cách toàn diện của Quân lực Việt Nam cộng hòa...
Cách làm này của ông vừa không khiến Mỹ và Thiệu nghi ngờ, vừa hoàn thành nhiệm vụ tình báo của ông: Ngăn không cho Mỹ quay lại miền Nam.
Tổng thống Mỹ Gerald Ford sau đó đã cử tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam (MACV) tới miền Nam nắm vững tình hình, nhưng gói cứu trợ 300 triệu USD không bao giờ được gửi tới Việt Nam, cuốn phăng những hi vọng cuối cùng của Thiệu và VNCH. Ngày 6/4/1975, phái đoàn của Đinh Văn Đệ kết thúc chuyến công du cầu viện về nước mà không đạt được kết quả như mong đợi. Hầu hết thành viên trong đoàn đều đã cảm nhận được sự buông xuôi của Mỹ qua thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của Quốc hội Hoa Kỳ.
Những thông tin này cũng đã được ông Đệ nhanh chóng gửi về cho ta, nhờ đó, tổng hành dinh càng quyết tâm đẩy nhanh kế hoạch tiến công để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Có thể nói, việc xây dựng được điệp viên U4 là một trong những thành công xuất sắc của tình báo cách mạng Việt Nam.
Dù những thành tích trong ngành tình báo được đánh giá cao với nhiều Huân chương chiến công giải phóng, nhưng sau ngày đất nước thống nhất, ông Đinh Văn Đệ đã chọn cho mình một cuộc sống kín đáo, giản dị với việc quay lại tu hành, trở thành Đạo trưởng Thiên Vương Tinh của Cơ quan Phổ thông Giáo lý (đạo Cao Đài). Ông luôn quan niệm, những việc mình làm là trách nhiệm của một công dân yêu nước với Tổ quốc của mình.
Hoa Đinh (TH)