60 NĂM VIỆC NƯỚC VỚI 6 ĐỜI VUA LÊ CỦA ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ (Tiếp phần 2)
Kỷ niệm 335 năm ngày mất của Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thành hoàng Đinh Văn tả (04/5/1685 - 04/5/2020 AL), con cháu dòng họ Đinh Văn Tả, Hàm Giang, Hải Dương tiếp tục cung cấp các tư liệu "60 năm việc nước với 6 đời vua Lê của Đại vương Đinh Văn Tả".
(Tiếp phần 1)
Cuộc đời Cụ gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc. Với 60 năm gánh vác việc nước của 6 triều vua Lê trung hưng, 74 trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả là một vị tướng trụ cột triều đình, khai quốc công thần phò Lê diệt Mạc, rất xứng đáng được vua ban 4 chữ “智甬明忠”"TRÍ DŨNG MINH TRUNG" và “SINH PHONG THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI VƯƠNG, THƯỢNG ĐẲNG THÀNH HOÀNG”, ban lập đền thờ khi còn sống.
Có thể kể ra đây một vài trong số trận chiến mà Đại vương Đinh Văn Tả đã trực tiếp tham gia chỉ huy:
* Năm Giáp Tý niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 6 (1624), khi đó Cụ Đinh Văn Tả mới 25 tuổi, Cụ vâng mệnh vua theo chúa Trịnh cùng Quận công Trịnh Kiều, con trai cả của chúa Trịnh Tráng đi đánh dẹp quân Mạc phương Bắc. Cụ sung vào đội tiên phong, giao chiến với quân Mạc ở bên cạnh phủ Cao Bằng, hơn một nghìn tên giặc bị thiệt mạng, khiến chúng phải thua chạy. Khi chúa ngụy Mạc Càn Thống là Mạc Kính Cung thân hành dẫn đại quân ra chống cự, Cụ nom vào giữa quân giặc thấy có đám đi theo thị tòng rất nghiêm cẩn, đoán biết là Mạc Kính Cung đang ở đó, Cụ bèn vẫy kiếm hô quân sĩ “Tất cả theo ta” rồi dũng mãnh xông thẳng vào trước mặt Kính Cung. Mạc Kính Cung kinh hoảng không kịp trở tay đã bị Cụ bắt sống. Quân giặc tan vỡ, chết vô số không sao đếm xuể. Trận ấy đại thắng, Cụ được xếp công đầu, phong cho tước Tài Lộc hầu.
* Tháng 5 năm Ất Dậu (1645) niên hiệu Phúc Thái thứ 3, hai con của chúa Trịnh Tráng là Thái bảo Phù Quận công Trịnh Lịch và Thái phó Hoa Quận công Trịnh Sầm hận vì bất đắc chí, liền nổi quân làm loạn. Chúa sai thế tử Trịnh Tạc (sau này là chúa Dương Vương) đi dẹp ở Phúc Phố. Cụ Đinh Văn Tả đi tiên phong, gặp giặc ở Hoàng Đình (nay ở gần chợ Cửa Nam, Hà Nội). Giặc vây quân ta thành mấy lớp, lại cho một cánh quân xông vào chia cắt đại quân ta làm đôi khiến đầu đuôi không trợ giúp nhau được. Thế tử Trịnh Tạc tự ý rút lui trước. Cụ lâm giữa vòng vây của địch. Hai người con của cụ là con thứ Đinh công Văn Thọ và con út Đinh công Văn Hiền cố sức chống trả, tả xung hữu đột nhưng giặc cậy thế đông người áp đảo, quân triều đình bị chia cắt nên hai người con của Cụ đều hy sinh trong một ngày. Cụ nổi giận xốc giáo xông lên hàng đầu, liên tiếp chém rụng 18 thủ cấp, giặc kinh hãi tan rã. Cụ bắt sống chủ tướng Trịnh Lịch của chúng, còn Trịnh Sầm kinh hoàng bỏ trốn vào Ninh Giang (nay ở khoảng xã Minh Sơn gần chùa Trầm bên bờ sông Đáy, phía tây Hà Nội). Trịnh Tạc thấy Cụ đã làm chủ thế trận, bèn sai Thái bảo khê Quận công Trịnh Tượng cùng đốc thúc quân lính đuổi theo và bắt sống nghịch tặc Trịnh Sầm. Sau trận này, Cụ được thăng chức Thự vệ, các con của Cụ đều được vua Lê truy phong tước hầu: Đinh công Văn Thọ truy phong tước Tử Nghĩa thiêm sự Phượng Dực hầu, Đinh công Văn Hiền truy phong Hậu Đức hầu.
* Năm Đinh Hợi (1647), niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5, giặc Ô Phỉ ở Đông Hải nổi nên hoành hành. Vua giao cho Cụ lĩnh chức Đô Tổng binh ra trấn thủ An Quảng để trấn áp giặc. Sau nhiều lần giao chiến ác liệt, quân giặc lần lượt bị bắt và tiêu diệt, cả vùng Đông Hải được thái bình.
* Năm Canh Tý (1660) niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3, Phú Quận công Trịnh Căn (sau trở thành chúa Khang Vương) làm Thống lĩnh quân vụ Nghệ An, Cụ Đinh Văn Tả làm Chánh tiên phong cùng với Hữu Đô đốc Thiếu bảo Lê Thì Hiến và Tả Đô đốc Thái bảo Hoàng Nghĩa Giao xuất quân đánh lớn, buộc Chiêu hầu phải rút lui vào vũng An Điềm, Phù Lưu, quân triều đình thu hồi được hết 7 huyện Nam Hà, xưa là Bắc châu Bố Chính, sau là phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trận đánh kết thúc thắng lợi, triều đình lưu Cụ lại làm trấn thủ. Cụ đi xem xét địa thế phía bắc sông Linh Giang, chia thành các đồn (nay vẫn còn di tích của 3 đồn vì thế ngày nay trở thành thị trấn Ba Đồn) và cho tập trung quân đóng giữ. Đồng thời Cụ cho mở lại chợ búa, thông thương qua lại buôn bán, nhân dân tụ họp trở về, vùng đất Bố Chính bị tàn phá hủy diệt gần hết trong cuộc chiến Nam Bắc giao tranh giờ dần dần trở nên yên vui. Bên ngoài Cụ cho phòng bị chặt chẽ, bên trong Cụ vỗ về ân cần, dân cõi biên thùy nhờ thế được an cư, cuộc sống yên ấm. Chiêu hầu từ đó rút lui vào Lũy Thầy án binh bất động không dám ra nữa. Để ca ngợi những chiến công cùng tài thao lược của Cụ, quân nhà Nguyễn truyền nhau câu “Phùng Ninh tắc chính, phùng Đinh mạc hành” nghĩa là “Gặp quận Ninh thì đánh, gặp cụ Đinh thì tránh”. Câu dân gian này có nguồn gốc từ chuyện quận Ninh đánh trận thường bị thua, Cụ Đinh Văn Tả đánh đâu được đấy. Lại có câu “Giang Đông lão tướng, anh hùng nan đương” nghĩa là “Lão tướng Giang Đông, anh hùng khó chống”. Cụ được thăng phong tước Quận công ngay tại trận.
* Năm Đinh Mùi (1667) niên hiệu Cảnh Trị, chúa Trịnh đại cử binh mã đánh dẹp phía Bắc, cử Cụ đi theo làm Đốc suất. Suốt dọc từ Tung Cao đến Thất Tuyền (Thất Khê bây giờ), quân Mạc liên tiếp bị thua phải lui về Châu Lăng, Miên Khâu, dựa vào địa thế xa xôi hiểm trở mà chống giữ, quân triều đình chưa dễ mà tấn công được. Cụ đem quân chia đường, lặng lẽ hành tiến, nối tiếp nhau trèo núi xông thẳng vào trại giặc. Quân Mạc tan vỡ, ta chém đầu hơn vạn tên, bắt sống Huân quân Vĩnh Công cùng bè đảng, thu về khí giới không biết bao nhiêu mà kể. Mạc Kính Vũ cùng bọn Trung Tín chạy vào hẻm đá núi Ngọc Sơn. Cụ vẫn tiến quân đuổi riết, bắt sống Trung Tín, phu nhân của Mạc Thiệu vương, Đại tướng Kính Liêu, Thượng thư Trần Tung cùng cả bọn 800 người. Cụ được vua phong Thiếu bảo, tước Quận công và coi là bậc trọng thần, giao cho trấn giữ châu Thất Tuyền (nay là vùng Cao Bằng – Lạng Sơn – Thái Nguyên). Tháng 6 năm 1668, niên hiệu Cảnh Trị, xét công lớn của Cụ, vua Lê phong cho Cụ là Tả Đô đốc, Đồng chí Lộc quận công.
* Năm Nhâm Tý (1672) niên hiệu Dương Đức, chúa Trịnh vâng mệnh xa giá hành quân phương Nam, sai Lê Hiến cùng Cụ làm chánh phó Thống suất. Cụ lãnh ba vạn thủy binh theo đường biển tiến ở cánh trái. Chiêu hầu cắt cử Thái Vũ hầu ra tiếp chiến với Cụ ở cửa Nhật Lệ. Cụ lập trận theo phép “chi huyền”, từ bốn phía bắn chéo vào. Quân của Thái hầu bị đánh cả hai mặt trước sau nên tan vỡ, hàng vạn quân lính bị chết đuối ở biển Đông, ta thu toàn bộ chiến thuyền. Thừa thắng, Cụ đem quân lên bờ, lập theo thế trận “trùng lũy”, công phá Lũy Thầy, tên đạn bắn vào trong thành như mưa, quân giặc tử thương rất nhiều và lâm vào thế bị vây hãm. Trong khi đó, đạo quân bộ của Lê Hiến tấn công thành Trấn Ninh ròng rã hàng tháng mà không hạ được, cuối cùng lại bị Chiêu hầu đánh bại, phải dẫn đại quân rút về. Cụ cũng giải tỏa vòng vây mà về. Vua bèn để Lê Hiến đóng giữ Hà Trung, đổi Cụ về phía sau hậu quân hộ giá quay ra Bắc. Về tới kinh đô, vua úy lạo Cụ mà khen rằng: “Lúc tiến công thì xông pha phía trước, khi rút lui lại bảo vệ đằng sau, khanh thực xứng đáng với chức vụ. Vả cứ xem khanh thi thố cơ mưu, tiến thoái xuất nhập tài tình, các bậc danh tướng thời xưa cũng không hơn được”. Vua tấn phong Cụ là Tán trị công thần, Thái phó Lộc quận công.
* Năm Giáp Dần (1674) niên hiệu Dương Đức năm thứ 3, vua xét công trạng của các tướng sỹ trong việc đánh dẹp giặc Nguyễn ở phía Nam, giặc Mạc ở phía Bắc đã phong tước cho các võ quan. Lộc công Đinh Văn tả được thăng Thiếu Bảo.
* Năm Bính Thìn (1676) niên hiệu Vĩnh Trị năm thứ nhất, vua mệnh cho Cụ làm Bắc chinh Đại đô đốc giữ quyền thống lĩnh toàn quân, dẫn theo phó tướng là Nguyễn Hữu Đăng và Hoàng Triều Hoa đem 35.000 quân (quân ở các trấn đồng bằng và quân Thiết đột là đội quân chủ lực của triều đình được trang bị voi, ngựa đầy đủ) tiến đánh Cao Bằng. Lúc này cụ Đinh Văn Tả đã 77 tuổi. Nguyên hồi trước Mạc Kính Vũ bị đánh thua tả tơi, phải chạy trốn sang Bắc quốc, đổi tên là Nguyên Thanh, lại hối lộ quan biên giới nhà Thanh để họ tâu lên vua Thanh dụ nước ta trả lại bốn châu cho họ Mạc, từ đó sáp nhập làm phiên quốc. Họ Mạc dựa vào đó, tiếp tục tiếm xưng niên hiệu, chống mệnh triều đình. Thổ dân dọc theo bờ sông đông có đến năm sáu vạn người đều bị chúng hà hiếp, khống chế. Bọn chúng còn ỷ vào thế phản thần nhà Thanh là Ngô Tam Quế kết thành bè đảng, trợ giúp lẫn nhau, thanh thế rất ngông cuồng. Quân triều đình đã đánh nhiều lần mà vẫn không thắng được. Chúa Trịnh và các quan trong triều làm tờ tấu dâng lên. Vua xem xong phán rằng: “Quận công Đinh Văn Tả là bậc tướng tài giỏi, trí dũng kiêm toàn, các quan văn võ trong triều không có ai hơn được. Nay muốn tiêu diệt giặc dữ để cứu giúp dân chúng một phương thì ngoài Đinh Quận công không ai làm nổi”. Thế rồi vua mệnh cho Cụ làm đốc suất cất quân đi dẹp giặc. Kể từ khi Cụ giữ chức Điển binh cho đến nay đã mấy chục năm, đã nhiều lần xông pha trận mạc, giao chiến với quân giặc, mang thắng lợi về cho triều đình. Chiến công gắn liền với tên Cụ vang xa, mọi người khắp nơi đều biết đến, mến phục Cụ. Vả lại, những năm trước đây Cụ đã từng lên trấn thủ biên cương phía bắc, rất được lòng dân, cho nên tới giờ nghe tin Cụ lại dẫn quân lên, mọi người đều tranh nhau tới qui phục. Quân nhà Lê tiến theo hai hướng chính: hướng Bắc Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng do Cụ Đinh Văn Tả làm tiên phong có nhiệm vụ đánh vào Hoàng thành của nhà Mạc ở thành Bản Phủ (Thị xã Cao Bằng ngày nay). Hướng theo đường Bắc Cạn - Cao Bằng do Nguyễn Hữu Đăng và Hoàng Triều Hoa chỉ huy được giao đánh các đồn ngoại vi mà nhà Mạc bố trí bảo vệ ở vòng ngoài. Cánh quân do Đô đốc Đinh Văn Tả chỉ huy tấn công tuyến phòng thủ sông Mãng của nhà Mạc, quân nhà Mạc ra sức chống cự, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Cụ cho bắc phù kiêu (cầu phao), quân Thiết đột vượt sông tiến đánh Vương phủ Cao Bình. Cụ thúc quân đánh thẳng từ bờ sông lên đầm sen (trước đây rộng 7 ha) tiến vào vườn thượng uyển - thành Bản Phủ; các cánh quân khác cũng đồng thời đánh vào Vương phủ nhà Mạc, quân Mạc do tướng Chiêu chỉ huy giữ thành không nổi, đành rút về thành Nà Lữ cùng tướng Kiên cố thủ. Đến tháng 8/1677, quân nhà Lê chia làm hai cánh mở cuộc tấn công cuối cùng: Cụ chỉ huy một cánh đánh thẳng vào thành Nà Lữ rồi đánh chiếm đồi Khắc Thiệu, cùng lúc đó một cánh khác được Cụ cử tiến đánh các đồn Khau Lừa, Nà Bưa... Cánh quân do Nguyễn Hữu Đăng chỉ huy đánh vào đại đồn nhà Mạc ở Kế Trang (Hào Lịch ngày nay). Trước sức tấn công mạnh mẽ của quân nhà Lê, vua tôi nhà Mạc phải chạy lên thành Lũng Hoàng trên núi Lam Sơn. Vua Lê ra lệnh chiêu an, tướng Đinh Văn Tả truyền cho các địa phương dụ ân xá để ổn định lòng dân. Còn vua Mạc sau một thời gian ở Lam Sơn đã bí mật rút về thành Phục Hòa, tụ tập quân lính dựa vào địa thế hiểm trở, cố thủ không dám ra nữa. Cụ thân hành đốc thúc chư tướng truy sát, tấn công vào bốn mặt, đại phá quân giặc. Nguyên Thanh phải bỏ chạy sang Long Châu. Cả vùng Cao Bằng thế là bình định xong, thu lại bốn châu bị Mạc Kính Vũ dựa vào thế nhà Thanh chiếm giữ. Tin thắng trận báo về triều, vua cả mừng bảo với chúa Trịnh rằng: “Thu phục về cái mà các đời trước chưa thể thu phục được, phi là bực tướng anh hùng thì không ai làm được điều đó!.Ta phải có lễ đặc biệt để đền đáp công lao hàng đầu này”. Vua bèn tấn phong cho Cụ chức Thái Tể, lại phong hiệu Trung đẳng Đại vương, gia phong Thượng đẳng Đại vương cho Cụ ngay khi còn sống, lập ra Trung Kính Tố quân doanh để ban cho Cụ cùng với ấn thụ. Theo bộ sử Cương mục viết: “Giặc Mạc chiếm cứ Cao Bằng, kể từ Kính Dụng đến Kính Vũ, trải 3 đời, gồm 85 năm, đến nay mới dẹp được, khôi phục được hết đất Cao Bằng. (….) Văn Tả là người mạnh khỏe, có thao lược, luôn vâng mệnh đi đánh dẹp, đánh đâu được đấy, là viên tướng vang tiếng một thời. Con cháu ông sau này cũng nối đời theo về việc binh. Người đời có câu ngạn ngữ Hàn Giang thảo tặc là có ý nói người họ Đinh ở Hàn Giang đánh giặc giỏi”.
Cũng nên nói thêm về việc Cụ Đinh Văn Tả đại thắng ở Cao Bằng, đánh tan quân nhà Mạc: Triều Mạc, do Mạc Đăng Dung, người Hải Dương khởi dựng từ năm 1527, lừng lẫy 65 năm ở thế kỷ XVI (1527-1592), có nhiều thành tựu về kinh tế, văn hoá, giáo dục. Từ năm 1593, nhà Mạc thất thủ ở Thăng Long và đồng bằng châu thổ, lập trị sở ở Cao Bằng, tồn tại song hành với triều Lê hơn 85 năm. Người có công lớn trong việc đánh dẹp nhà Mạc lại là Đinh Văn Tả, cũng là người Hải Dương.
Vì lập được nhiều công lớn, vua ban Cụ khi lâm triều được “Miễn lễ, miễn chầu”, “Quyền long triều túc tướng” (nghĩa là tướng túc trực bên vua để cùng vua và thay vua giải quyết công việc triều đình).
* Năm Đinh Tỵ (1677), Vua ban lập sinh từ thờ Cụ khi còn sống ở Hàn Giang và sinh phong Thành hoàng bản thổ, ban 300 mẫu ruộng làm lộc điền tại xã Hàn Giang, Hàn Thượng, Bình Lâu. Cụ lại giao đất cho dân ở, giao ruộng cho dân cày, an cư lạc nghiệp. Đây là trường hợp hiếm có trong các triều đại phong kiến. Thời Trần, sau kháng chiến chống Nguyên, chỉ có Trần Hưng Đạo được triều đình cho lập đền thờ khi còn đang sống. Nhưng Trần Hưng Đạo khi đó không chỉ là người có công lớn đối với đất nước mà còn là thân phụ của Hoàng hậu Trần Nhân Tông, vị vua đang tại vị. Còn cụ Đinh Văn Tả là ngoại thích, thê thiếp cũng không phải là công chúa hay thuộc dòng hoàng tộc mà được lập đền thờ khi còn sống là ân sủng đặc biệt của triều Lê trung hưng bởi những cống hiến lớn lao của Cụ cho đất nước, cho triều đình.
* Năm Tân Dậu, 1681, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa Cụ được vua cử làm Đề điệu (Chánh chủ khảo) kỳ thi hương (chọn cử nhân) và năm Quý Hợi, 1683, niên hiệu Chính Hòa Cụ lại được vua sung làm Đề điệu kỳ thi hội chọn Tam khôi cùng tiến sỹ tổng cộng được 19 người. Khi đó Cụ đã 85 tuổi. Tướng võ được cử giữ chức Đề điệu, có lẽ đây là trường hợp đặc biệt và duy nhất. Cụ thật là văn võ song toàn.
(Còn tiếp phần 3)
Đinh Văn Bình, hậu duệ thứ 12 Đại vương Đinh Văn Tả