Giai thoại về vị vua suốt đời cưỡi trên lưng ngựa
Sau khi bị gian thần hãm hại, thi thể vua Đinh Tiên Hoàng được an táng trên đỉnh núi Mã Yên. Lăng mộ nằm ở nơi trũng xuống giữa hai ngọn đồi như hình yên ngựa. Ngoài yếu tố phong thủy, nơi vua yên nghỉ còn thể hiện tinh thần thượng võ về người suốt đời cưỡi trên lưng ngựa.
Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924 ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, nay thuộc huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Khi còn nhỏ, ông được biết đến là người thông minh kiệt xuất, tài giỏi hơn người. Tài năng quân sự của ông được bộc lộ khi đi chăn trâu cho chú đã tổ chức chúng bạn chơi trận giả. Vì thế bạn bè rất nể phục, làng xóm luôn hi vọng ông là người hiền tài sẽ đem lại bình yên cho quê hương.
Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng nằm trên đỉnh núi Mã Yên (yên ngựa), thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, Ninh Bình
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ông là người có công trong việc xây dựng, củng cố nhà nước vững vàng chặt chẽ, đảm bảo chắc chắn nền tảng thống nhất của tổ quốc. Trị vì được 12 năm, đến năm 979, ông bị ám sát. Cái chết của ông cùng người con trai đến nay vẫn còn là một bí ẩn khi có nhiều lý giải khác nhau.
Câu chuyện về nơi án táng Đinh Tiên Hoàng cũng là một bí ẩn luôn khiến nhiều người tò mò. Một giả thiết cho rằng, sau khi nhà vua băng hà, 7 vị quan trung thần đã tự tay khâm liệm rồi chuyển qua cửa cung 100 chiếc quan tài bằng đồng để đi chôn cất theo 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi an táng vua về, 7 vị quan đã chung nhau chén rượu độc tuẫn tiết mang đi bí mật về ngôi mộ thật.Nhấn để phóng to ảnh
Phủ Khống nơi thờ 7 vị quan trung thần đã uống thuốc độc tuẫn tiết sau khi chôn cất vua Đinh Tiên Hoàng để giữ kín bí mật
Sau này, nơi chôn cất của vua Đinh được tiết lộ là nằm trên đỉnh núi Mã Yên (yên ngựa). Đây là ngọn núi cao có thể quan sát được toàn bộ kinh thành Hoa Lư, nhìn về phía tay trái là núi Ngọc núi rồng, phía trước mặt là sông Hoàng Long. Nhiều tài liệu sử chép lại, các trung thần an táng vua Đinh trên đỉnh Mã Yên với mong muốn, dù đã băng hà nhà vua vẫn được cưỡi trên lưng ngựa, trị vì đất nước.
Từ dưới chân núi muốn lên được lăng vua Đinh Tiên Hoàng phải vượt qua 265 bậc thang cheo leo dốc núi. Xưa kia, mộ là một nơi bí mật để cất giấu kín thi hài vua nên khu đất trên đỉnh núi Mã Yên cây cối mọc um tùm. Mộ cũng chỉ được đắp bằng những tảng đá đơn sơ. Nơi chôn cất vua Đinh nằm chính giữa hai ngọn núi nhô cao trên đỉnh Mã Yên, khu đất này bằng phẳng nhìn từ xa như chiếc yên ngựa.
Để lên được nơi nhà vua yên nghỉ phải vượt qua 265 bậc thang trên những vách núi thẳng đứng.
Năm 1840, thời vua Minh Mạng thứ 21, nhà vua đã cho xây dựng lại lăng vua Đinh. Lăng được làm bằng đá, kiến trúc đơn sơ, giản dị. Trước lăng có dựng tấm bia đá “Đinh triều - Tiên Hoàng đế chi lăng”.
Ngày nay, lăng vua Đinh đã được trùng tu tôn tạo gọn gàng, sạch đẹp hơn xưa. 265 bậc đá được xây dựng chắc chắn, cây cối đường lên, xung quanh lăng được phát quang và cử người trông coi, nhan khói cho vua. Mỗi năm có hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, thắp nhang thành kính vua Đinh.
Từ lăng vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên có thể quan sát toàn bộ kinh thành Hoa Lư xưa
Toàn cảnh khu lăng mộ vua Đinh trên đỉnh núi Mã Yên
Nằm trong Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), cùng với Đền vua Đinh, vua Lê, lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng là một trong những điểm tham quan được nhiều người ghé thăm nhất. Du khách đến lăng thắp nhang thành kính, có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về người anh hùng dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, độc lập tự chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta.
Từ nhiều năm nay, lăng mộ vua Đinh đã có người trông giữ, hương khói thường xuyên, phục vụ du khách đến tham quan.
Theo Dân trí