Đại vương Đinh Văn Tả và di sản lượn Nàng Hai
Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Mạc. Thời kỳ nhà Mạc, cảnh thịnh trị được các sử gia nhà Lê - triều đại đối địch với nhà Mạc - trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: "Đêm ngủ không đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi".
Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành (Phục Hòa). |
Nhưng sau hơn nửa thế kỷ trị vì, đến cuối năm Ất Dậu (1585), nhà Mạc suy yếu, Mạc Mậu Hợp hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Tương lai nên xử trí ra sao? Trạng Trình đã khuyên vua quan nhà Mạc rằng: "Cao Bằng tuy tiểu khả dung số thế" (nghĩa là đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời). Năm Quang Hưng thứ 15 (1592), quân nhà Lê tiến ra Bắc chiếm lại được thành Thăng Long, nhà Mạc lên Cao Bằng, là phên dậu thứ tư ở phía Bắc của Tổ quốc, điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt.
Để xây dựng căn cứ, nhà Mạc chọn Na Lữ (nay thuộc xã Hoàng Tung, huyện Hòa An) là đế đô và lập vương phủ ở Cao Bình (xã Hưng Đạo - nay thuộc thành phố Cao Bằng). Thiết lập Vương triều, điều hành chính sự, quản lý cả vùng Đông Bắc nước Đại Việt. Nhà Mạc ở Cao Bằng 85 năm, trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677). Năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), nhà Mạc mới bị nhà Lê đánh bại.
Trong quá trình bình định nhà Mạc tại Cao Bằng, nhiều lần vua Lê cử Đại vương Đinh Văn Tả làm chỉ huy, đưa quân lên Cao Bằng đánh nhà Mạc. Theo cuốn: Đinh tộc gia phả Hàm Giang, Hải Dương do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, và những tư liệu mà dòng họ Đinh Văn ở Hải Dương, thời kỳ đó Đại vương Đinh Văn Tả được nhà Lê cử lên Cao Bằng nhiều lần.
Khi lên Cao Bằng, mỗi lần đều lưu lại khá lâu. Trong đó lần cuối vào năm 1677, Đại vương Đinh Văn Tả đã ở lại mấy năm, nhất là khi Đinh Văn Tả được triều đình chỉ huy đưa quân vào Phục Hòa truy kích quân vua Mạc (Mạc Kính Vũ). Cuối năm 1677, Đại vương Đinh Văn Tả đưa quân đến Phục Hòa, nhưng chưa đánh ngay mà hạ trại tại Tổng Lao (xã Tiên Thành, huyện Phục Hoà hiện nay), Đinh Văn Tả biết rõ, đây cũng là nơi cuối cùng nhà Mạc cố thủ ở Cao Bằng nên sẽ quyết giữ.
Đại vương Đinh Văn Tả đã nói “Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung làm lối thoát. Nếu tiến công ngay thì cùng quá hóa liều, đôi bên đều tổn thất”. Vì vậy nếu đánh ngay nhất định sẽ tổn thất nhiều xương máu cho cả hai bên; một điều nữa là lúc đó Đinh Văn Tả biết Hoàng hậu nhà Mạc là bà Đinh Thị Thành cùng hai công chúa là Mạc Thị Cao Tiên và Mạc Thị Hoa Dung đã nhảy xuống sông Dẻ Rào tự vẫn (khu vực đó sau này nhân dân gọi là hát Giả Vuồng (nơi hoàng hậu tự vẫn).
Còn công chúa Tiên Giao (Mạc Thị Tuyết Lan) lúc đó đang ở Trường Quốc học Bản Thảnh không kịp sang Na Lữ để chạy theo mẹ, sau một thời gian cùng con gái bà cấp dưỡng Trường Quốc học Bản Thảnh là bạn đồng canh, lưu lạc xuống xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), khi biết tin cha mình (Mạc Kính Vũ) đang ở trong thành Phục Hòa đã đến tìm cha.
Khi cùng bạn đồng canh đến xóm Phiêng Lâu, gần đại bản doanh của Đinh Văn Tả ở Tiên Thành, do lặn lội qua rừng núi nhiều ngày mệt quá lả người đi, cô bạn kêu cứu. Đại vương Đinh Văn Tả đang đi thị sát tại vọng gác tiền tiêu ở Kéo Tu Pụt, phát hiện và cho quân đến cứu công chúa Tiên Giao và cô bạn đồng canh, đó là hai cô gái trẻ xinh đẹp. Khi tỉnh dậy, hai cô gái khai là bố mẹ chết sớm, ở với họ hàng, nay họ ép gả chồng, hai cô không ưng nên bỏ trốn, nay không biết đi đâu? về đâu? Đinh Văn Tả động lòng thương tình cho hai chị em vào đại bản doanh làm tỳ nữ.
Trong thời kỳ này Đinh Văn Tả đang thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, ông cho binh lính cùng cày cấy với nhân dân quanh vùng để lấy lương thực nuôi quân và để yên lòng binh sĩ, đỡ nhớ quê hương, gia đình... Đinh Văn Tả cho tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, cho quân sĩ múa hát với nhân dân. Hai cô gái vốn hát hay, múa dẻo được Đinh Văn Tả giao hướng dẫn dạy cho quân và dân múa hát, nhất là những đêm trăng sáng, múa hát diễn ra thường xuyên, dần dần trở thành các đêm hội Lượn Hai (tức lượn dưới ánh trăng) của cả vùng.
Với tài năng của mình, hai chị em đã phát triển các bài hát lượn trong lễ hội cầu mùa truyền thống của địa phương thành một hệ thống hoàn chỉnh, tổ chức bài bản hơn. Lượn Hai đã bổ sung thêm nhiều bài, cách thể hiện làm cho các làn điệu truyền thống phong phú thêm, như: Hát Then, Phong slư, Lượn slương. Lượn slương có nghĩa là thương nhau và lượn slương một bên là nam một bên là nữ, các hoạt động hầu như được tổ chức vào những đêm trăng sáng.
Có thể vì thế mà sau này được gọi là “Lượn Hai” được nhân dân ở đây lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng. Lượn Hai được hát cả trong các dịp cưới... Các hoạt động đã lôi cuốn rất nhiều thanh niên các xã của các huyện Hòa An, Thạch An tiếp giáp với Tiên Thành, đến tham gia múa hát.
Mọi việc diễn ra được khoảng 3 năm, triều đình thấy lâu quá hối thúc Đinh Văn Tả phải dứt điểm đánh thành Phục Hòa rồi về kinh. Đại vương Đinh Văn Tả đã giãi bày với Công chúa Tiên Giao về dự định đánh thành. Bất ngờ đêm trước lễ xuất quân, Công chúa Tiên Giao và bạn đồng canh tự tử. Công chúa Tiên Giao để lại một lá thư tuyệt mệnh nói rõ là con gái của vua Mạc Kính Vũ. Vì chịu ơn tướng Đinh Văn Tả đã cưu mang, nếu không ủng hộ đánh thành là bất nghĩa, mà ủng hộ đánh cha mình là bất hiếu. Trước tình cảnh đó, đành tự kết liễu đời mình để giãi bày tấm lòng với trăng sao, trời đất.
Lễ tang Công chúa Tiên Giao và bạn đồng canh được Đại vương Đinh Văn Tả và nhân dân tổ chức trang trọng. Biết Công chúa Tiên Giao vĩnh biệt trần gian, nhân dân quanh vùng, nhất là thanh niên các xã xa gần kéo đến phúng viếng than khóc, sau này cứ vào ngày 23/3 (âm lịch) hằng năm, nhân dân Tổng Lao (Tiên Thành) lại hội họp để tưởng nhớ Công chúa Tiên Giao. Từ đó, ngày 23/3 (âm lịch) hằng năm đã trở thành ngày hội cổ truyền của địa phương (được gọi là ngày hội Tình yêu).
Để tưởng nhớ và biết ơn Công chúa Tiên Giao, nhân dân Tổng Lao đã lấy tên Công chúa đặt tên cho tổng là tổng Tiên Giao từ năm 1683, đến tháng 5/1945 mới đổi tên xã Tiên Giao thành xã Tiên Thành.
Quý mến và cảm phục Công chúa Tiên Giao và cô bạn đồng canh là người đã có nhiều công lao lớn trong việc sưu tầm, phát triển lễ hội Lượn Hai nên nhân dân tổng Tiên Giao gọi lễ hội hát dưới ánh trăng là “Lễ hội Nàng Tiên Giao” về sau gọi là “Lễ hội Nàng Hai”. “Hai’’ - tiếng dân tộc Tày có nghĩa là Trăng, “Nàng Hai” có ý chỉ chị Hằng Nga trên cung trăng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 22/3 (âm lịch), thường kéo dài từ 1 - 3 ngày, khoảng 2 năm tổ chức một lần và thường được tổ chức vào năm chẵn. Lễ hội Nàng Hai ở Tiên Thành được gọi là lễ hội “Hai Mẻ”.
Sau khi Công chúa Tiên Giao mất, thanh niên ở các xã Vân Trình, Thụy Hùng, Kim Đồng..., huyện Thạch An và xã Hồng Nam, huyện Hòa An thường xuyên tổ chức hội Hai tại xã mình - nhưng được gọi là "Hai Pỏ".
“Hai Pỏ” đại diện cho bên nam, lúc gọi mời Hai và “Lượn Pjảc” thì gọi “mố ơi!”. “Hai Mẻ” đại diện cho bên nữ, lúc gọi mời Hai và lượn “Pjảc Hai” thì gọi "Hai há ơi!"
Ví dụ: "Hai há ơi! dú cốc bjoóc là mà!
Hai há ơi! dú cốc hoa là tẻo!
Piết chúp lồng chang kéo hái hoa
Piết chúp lồng chang nà hái bjoóc!".
Như vậỵ, trong thời kỳ chiến sự giữa Nhà Mạc và Nhà Lê, từ kế sách “ngụ binh ư nông” và từ lòng nhân nghĩa bao dung của Đại vương Đinh Văn Tả, cách đây mấy trăm năm, tại xã Tiên Thành (Phục Hòa) và các xã Vân Trình, Thuỵ Hùng, Kim Đồng... (Thạch An), xã Hồng Nam (Hòa An) đã hình thành Lễ hội Nàng Hai. Lễ hội này gồm hai thể loại là “Hai Mẻ” tại xã Tiên Thành; “Hai Pỏ” tại một số xã của huyện Hòa An và huyện Thạch An, nhưng thường được gọi chung là Lễ hội Nàng Hai. Lễ hội Nàng Hai đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.