BÀI THƠ "VIẾT Ở NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN"
Tôi biết tiến sỹ, bác sỹ Đào Ngọc Lan đã gần 30 năm. Vì là bạn “con chấy” của vợ nên câu chuyện của chúng tôi khi gặp nhau cũng chỉ là những chuyện nhân tình thế thái vì còn để dành thời gian cho cho các bác sỹ buôn dưa lê. Một dịp không biết có được gọi là may không trong lần tôi và vợ đi dự đám cưới con anh bạn ở Vinh, chuyện trò với tiến sỹ Lan, tôi mới biết bên trong chiếc áo bờ lu trắng kia còn ẩn chứa một tâm hồn thơ lãng mạn. Nhận được bài thơ “Viết ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn” tiến sỹ Lan gửi cho, tôi cố hình dung một người con gái tính cách cương trực, rắn rỏi, Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái lại có cả một giang sơn thơ ca – một lĩnh vực mà nhiều người vẫn hay ví von dành cho giới “bầu rượu túi thơ”, tâm hồn lãng mạn với trái tim mơ mộng….
Bài thơ “Viếng bạn” của tác giả Hoàng Lộc là một trong số ít những bài thơ viết về liệt sỹ mà tôi rất có ấn tượng khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông bởi tác giả đã vừa diễn tả được tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, thắm thiết vừa diễn tả được lòng căm thù giặc sâu sắc. Nhưng với bài thơ “Viết ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn” của tiến sỹ Đào Ngọc Lan lại đánh thức trong tôi những cảm xúc và những nghĩ suy khác với những đường mòn tư duy trước đây.
Ngay khổ thơ đầu, không vòng vo, không cầu kỳ câu nệ, tiến sỹ đã bộc tệch:
Không kịp mua huệ, cúc, sen, hồng
Chúng tôi đến thăm các anh
Với bó hoa rừng vừa hái
Con đường mênh mông nắng trải
Khoảng trời xanh màu xanh bình yên.
Rất mộc mạc, rất chân tình. Cái mộc mạc, chân tình của “dân” miệt rừng Tây bắc tại nơi núi non hùng vỹ Trường Sơn của hơn mười nghìn linh hồn chiến sỹ sao mà lãng mạn và trân trọng thế. Theo lẽ thường thăm viếng nghĩa trang, mọi người chuẩn bị hương hoa, nải quả, đăng đèn và có thể còn cả những tập tiền âm phủ, những con ngựa giấy v.v. Một nghĩa cử rất bình dị: bó hoa rừng hái vội đã được tác giả thổi vào từng cánh hoa, từng nhành lá ánh vàng của cuộc sống và nghĩa tình của con người với con người ở hai đầu âm dương cách biệt. Cái dân dã, hoang vu gắn quyện trong linh thiêng trước những linh hồn bất tử.
Vẫn những vần thơ, ý thơ mà nhiều nhà thơ đã ghi lại cảm xúc của mình trong những lần thăm viếng nghĩa trang, nhưng ở khổ thơ thứ 2 của Tiến sỹ đã làm tôi giật mình:
Những dòng chữ khiêm nhường bé nhỏ
Không dòng nào ghi những chiến công.
Thăm nhiều nghĩa trang, viếng nhiều mộ liệt sỹ mà tôi cũng mới chỉ thấy có nhiều ngôi mộ không ghi dòng tên hoặc với cái tên Liệt sỹ vô danh vì chính chúng ta, những người còn sống cần phải tìm tên để trả lại cho các liệt sỹ. Thế mà, tác giả lại thêm một phát hiện mới nữa “không dòng nào ghi những chiến công”. Liệt sỹ - các anh các chị là những người anh dũng tuyệt vời, dám đối đầu với cái chết vì một mục tiêu, lý tưởng cao cả. Không có huân huy chương nào để có thể tặng các anh các chị, không có bút mực nào ghi lại hết những chiến công của các liệt sỹ. Tôi có thể khẳng định rằng, khi còn sống, các anh các chị có nhiều huân huy chương, bằng khen, giấy khen lắm chứ. Ngay sự hy sinh của các liệt sỹ đã là tấm Huân chương cao quý mà gia đình vẫn nâng niu gìn giữ “Tổ quốc ghi công” với dòng chữ “anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Còn gì hơn thế. Đương thời, các anh các chị giản dị với cái mũ tai bèo, khẩu súng khoác vai, chiếc ba lô con cóc sau lưng bao nhiêu thì khi trở về với cát bụi, các anh các chị lại càng khiêm nhường bấy nhiêu. Không cần những huân huy chương đeo đầy ngực, không cần những dáng đi bệ vệ, tiền hô hậu ủng, các anh các chị vẫn là những con người đáng kính nhất, những khuôn mẫu điển hình nhất của mọi lớp người, của mọi thời gian. Không thể ghi hết chiến công của các liệt sỹ trên tấm bảng bé nhỏ - đó là thắc mắc của người em gái khi viếng liệt sỹ. Huân huy chương ư?, Giấy chứng nhận dũng sỹ diệt Mỹ ngụy ư?... Tất cả đã trở về với hư vô, chỉ còn là vang bóng một thời. Còn các anh các chị mãi mãi được “Tổ quốc ghi công”. Lan ơi, thiêng liêng nhất hai từ Tổ quốc được gắn cho những linh hồn liệt sỹ rồi, những con người bình dị ấy đâu có cần ghi riêng cho mình. Một em gái lớn lên khi đất nước bình yên đã đặt một dấu hỏi trước những ngôi mộ liệt sỹ làm cho chúng ta những người còn sống, đã một thời cùng những liệt sỹ kia cầm súng chiến đấu phải đắn đo, phải suy nghĩ: có chiến công nào thiêng liêng hơn sự hy sinh mất mát của các liệt sỹ và những cái chúng ta làm hôm qua, hôm nay và ngày mai phải chăng là tiếp mạch của những chiến công mà các liệt sỹ đã để lại cho chúng ta. “Những con đường, những nhà máy mới. Ánh điện lung linh, rừng xanh vời vợi. Những chiếc cầu bắc đến tương lai” của Yên Bái quê hương em chính là những chiến công của các liệt sỹ đấy. Em và mọi người hãy cống hiến thật nhiều cho bình yên của quê hương chính là đang ghi tiếp vào những tấm bia của các liệt sỹ những chiến công mà các anh các chị còn đang bỏ dở.
Một cái ngỡ ngàng nữa khi ở giữa bài thơ, tiến sỹ Lan lại bất ngờ đưa ra một khái niệm rất mới mẻ “những thương binh không tàn không phế”!. Mọi người đã quá quen với câu “thương binh tàn nhưng không phế”. Đọc riết rồi thành quen. Quen rồi lại nghĩ đó là đương nhiên và lúc nào, ở đâu, mọi người cũng đều nói thương binh tàn nhưng không phế. Đã là thương binh thì phải có tỷ lệ thương tật tối thiểu cũng phải 21% trở lên. Nhưng tỷ lệ đó đâu phải là “tàn”. Mà dù có ở mức tỷ lệ cao nhất đến 99% đi thì với truyền thống của anh bộ đội Cụ Hồ thì đã dễ gì những người lính năm xưa lại chịu để gắn với chữ “tàn”. Thực tế đã chứng minh. Có những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là những cựu chiến binh mang thương tật trên người những vẫn là nhà hoạt động chính trị xuất sắc. Ngay trong Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam có nhiều tấm gương thương binh lao động giỏi, lãnh đạo cả tập thể doanh nghiệp vững vàng trên thương trường. Có thương binh nặng hạng ¼ còn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Các anh cũng lăn lộn lên rừng xuống biển, ra bắc vào nam, sới từng tấc đất, vắt từng con sông nhả hạt thóc hạt gạo, con tôm con cá cho dân, mang đến mỗi nhà ánh sáng của ấm no, hạnh phúc. Thương tật không thể làm tàn phế thể xác và tâm hồn các anh. Các anh coi thương trường như chiến trường, tiếp nối mạch chiến công thời chiến sang thời bình. Thế thì đâu có “tàn” và lại càng không “phế”. Cảm ơn tác giả đã cho chúng tôi – những cựu chiến binh thương binh thời bình có cái nhìn thực tế hơn về mình: “những thương binh không tàn không phế”. Hay quá.
Bài thơ không có tiếng nức nở, không có giọt nước mắt rơi nhưng xuyên suốt bài thơ là cảm xúc của một người em gái khi viếng mộ liệt sỹ tại nghĩa trang Trường Sơn. Tác giả đã gắn kết một cách khéo léo cả quá khứ (viếng mộ liệt sỹ) với hiện tại (chuyện những thương binh không tàn không phế). Khi nói về những liệt sỹ, tác giả đắn đo “không dòng nào ghi những chiến công” nhưng khi nói về những thương binh thì tác giả lại khẳng định “vẫn cho đời bao sức lực, niềm tin”. Phải chăng đó là dòng mạch chiến công chỉ có ở những người lính Cụ Hồ? Bài thơ là những lời tâm tình được chắt ra từ tâm huyết của một thế hệ trẻ sau chiến tranh trước những hy sinh, mất mát của dân tộc. Không có những nhịp điệu, tiết tấu cầu kỳ, không có những triết lý khúc trắc, từ câu đầu đến câu cuối là cả một mạch tình người của hôm qua, hôm nay và ngày mai, biết kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam. Tôi viết những dòng cảm xúc của mình khi đọc bài thơ “Viết ở nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn” của Tiến sỹ, bác sỹ Đào Ngọc Lan nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/2010) và cũng là để tỏ lời cảm ơn tác giả đã dành cho những người lính chúng tôi tình cảm chân thành của người em gái nơi núi rừng Tây Bắc.
Đinh Văn Bình
Nguyên bản bài thơ của TS. BS Đào Ngọc Lan
Ngọc Lan
VIẾT Ở NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN
Không kịp mua huệ, cúc, sen, hồng
Chúng tôi đến thăm các anh
Với bó hoa rừng vừa hái
Con đường đến mênh mông nắng trải
Khoảng trời xanh màu xanh bình yên.
Chiến tranh qua lâu rồi
Mặt đất đã dịu êm
Nơi các anh nằm
Rừng thay lá mới
Nghĩa trang Trường sơn lần đầu tôi tới
Cứ ngỡ ngàng như lạ như quen:
Đây những Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên...
Cùng tên các anh trên từng bia mộ
Những dòng chữ khiêm nhường bé nhỏ
Không dòng nào ghi những chiến công...
Biết hồn thiêng đã hoá núi sông
Biết công ơn đời đời tạc dạ
Sao gặp đây rồi mà xa cách quá
Khói hương mờ, nước mắt tuôn rơi
Muốn nói cùng anh bao chuyện trên đời:
Về những con đường, những nhà máy mới
Ánh điện lung linh, rừng xanh vời vợi
Những chiếc cầu bắc đến tương lai
Những con người từ hạt lúa, củ khoai
Trên đỉnh OLYMPIA đã mang vòng nguyệt quế
Chuyện những thương binh không "tàn" không "phế"
Vẫn cho đời bao sức lực, niềm tin
Cuộc sống còn bộn bề,vất vả, ưu phiền
Vết thương cũ khi trở trời buốt nhói
Những nỗi đau lặng thầm không thể nói
Chuyện đời thường mà đâu ít gian nan...
Chỉ tấm lòng còn mãi với thời gian
Xưa máu xương nay mồ hôi lại đổ
Tiếng thao thức đập dồn khuôn ngực nhỏ
Lòng bồi hồi ước gì được xẻ chia...
Mai tôi về Yên Bái ngoài kia.
Xin gửi lại nén hương lòng cháy mãi
Ôi Trường Sơn, Trường Sơn xa ngái
Có một ngày tôi đã về đây....
Nghĩa trang Trường sơn 14/6/99
Tiến sỹ, bác sỹ Đào Ngọc Lan
Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái