Đinh Nho Hoàn - Một Đốc trấn tài năng Thứ 6, 15/06/2012 | 11:00:00 [GMT +7]
Đinh Nho Hoàn tự là Tồn Phúc, hiệu Mặc Trai, là con thứ ba của cụ Đinh Nho Công và phu nhân Đặng Thị (xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Đinh Nho Hoàn, sinh ngày 05/10 năm Tân Hợi, niên hiệu Cảnh trị 9 (tức 07/11/1671). Từ nhỏ Đinh Nho Hoàn đã thông minh, hiếu học, được cha kèm học nên ông có ý thức học từ nhỏ và rất chăm chỉ học tập, lớn lên ông được về kinh thụ giáo với nhiều bậc danh sư.
Năm 30 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà thứ 21 (1700). Về sự kiện này, Đinh Nho Hoàn đã viết: ‘‘Cha mẹ tôi có 12 con, Mặc trai tôi là thứ ba. Khoa Canh Thìn 30 tuổi thi Hội đỗ thứ hai, vào thi Đình được ban Đệ nhị giáp (Hoàng giáp). Tháng trọng thu (tháng 8) năm Nhâm Ngọ (9/1702) phụng sai Sơn Tây xứ. Tháng mạnh thu (tháng 7) năm Giáp Thân (8/1704) phụng sai đốc trấn Cao Bình)…”.

Đền Gôi Mỹ, xã Sơn Hoà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) thờ Phan Thị Viên, vợ thứ của Đinh Nho Hoàn. Khi Đinh Nho Hoàn đi sứ phương Bắc về lâm bệnh và chết dọc đường, Phan Thị Viên đưa chồng về quê chôn cất rồi thắt cổ chết. Bà được triều đình phong là “Á Thần Nhân”, cho lập đền thờ và ban bản vàng khắc 2 chữ “Tiết Phụ”. Ngoài ra đền còn thờ tiến sĩ Đinh Nho Công (cha Đinh Nho Hoàn); Đinh Nho Hoàn; Hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (em Đinh Nho Hoàn). Ảnh: Báo Văn hóa
Theo cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam, thì sau khi thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đinh Nho Hoàn được bổ nhiệm làm Bổ Hàn lâm viện khoảng 2 năm rồi được bổ chức Tham xứ chính Sơn Tây. Gần 2 năm sau lại được triều đình điều bổ chức Đốc trấn Cao Bình (Cao Bằng). Thời gian ở Cao Bằng, Đinh Nho Hoàn đã cho thực thi nhiều việc để phát triển kinh tế, làm ích nước lợi dân, như sửa đường, phá ghềnh đá trên sông Bằng Giang để thuyền bè đi lại giao thương dễ dàng.
Thời kỳ đó thuyền buôn của người Trung Quốc - lúc đó thường gọi là Khách thương, theo sông Bằng Giang sang buôn bán nhiều, nhưng trước đó phải chờ đợi lâu, mất nhiều thời gian mới được khám hàng sau đó mới cho lưu thông. Thời ông Đinh Nho Hoàn làm Đốc trấn, đã cho mở đường thông luồng lạch đến tận biên giới và có lệnh khi khám hàng phải làm nhanh chóng, nên thuận lợi cho chủ hàng.
Nhờ sự giúp đỡ của ông, Hoa thương (thương gia người Hoa) ở Cao Bằng và khách thương buôn bán càng ngày càng phát đạt, trở nên giàu có, nhân dân no đủ, nên triều đình ‘‘bãi bỏ đồn trú ở Cao Bằng” vì “đất nước thừa hưởng thái bình đã lâu, cõi biên vô sự, quân lính sở tại (thổ trước) cũng đủ sức chống giữ, bèn bãi bỏ việc đồn trú để giảm bớt sự khó nhọc”. Để ghi nhớ công ơn của Đốc trấn Đinh Nho Hoàn, giới buôn bán đã góp tiền cùng nhau làm một tấm bia dựng trước cửa nhà Hội quán để ca ngợi công đức của Đinh Đốc trấn.
Đinh Nho Hoàn giữ chức Đốc trấn Cao Bằng đến khoảng năm 1710 thì được triều đình điều về kinh đô, ông được bổ giữ chức Thượng Bảo tự khanh tức giữ ấn triện ở Hàn lâm viện (về sau được phong chức Lại Bộ Thượng thư), sự kiện đốc trấn Đinh Nho Hoàn được điều về kinh đô và thời gian ở Cao Bằng, sau này được ông ghi lại trong chuyến đi sứ sang nhà Thanh năm 1715, ông đã sáng tác bài thơ ghi chuyện trên đường đi sứ gặp lại một bạn là người Hoa từng sang làm ăn buôn bán ở Cao Bằng. Từ khi chia tay người ấy đến nay đã 5 năm mới gặp lại.
Chuyến đi sứ của Đinh Nho Hoàn, Đại Việt sử ký tục biên còn ghi rõ: “Ất Mùi (Vĩnh Thịnh) năm thứ 11 (1715) (Thanh Khang Hy thứ 54). Mùa xuân, tháng Giêng. Sai sứ thần Nguyễn Công Cơ, Lê Anh Tuấn (người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong), Đinh Nho Hoàn (người An Ấp, huyện Hương Sơn), Nguyễn Mậu Áng (người xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) sang Thanh”. Trong Cương mục, ghi cả chức vụ trong sứ bộ “Chánh sứ là Hộ bộ Tả thị lang Nguyễn Công Cơ, Thái bộ Tự khanh Lê Anh Tuấn. Phó sứ là Thượng bảo Tự khanh Đinh Nho Hoàn và Lại khoa Cấp sự trung Nguyễn Mậu Áng”. Sứ bộ lên đường giữa tháng 2/1715, vừa đi bằng thuyền, bằng xe đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), dâng quốc thư và lễ vật, chúc thọ, vấn an và một số hoạt động ngoại giao khác... Sau đó mới được lên đường về nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ thời Nhà Đinh (Đại Cồ Việt) lập mối bang giao với nhà Tống và cử vị sứ giả đầu tiên (Đinh Liễn) sang sứ bên nhà Tống (Trung Hoa), đến triều Nguyễn, thì các vương triều nước ta đã cử sang Trung Hoa tất cả gần 150 sứ bộ ngoại giao, các chánh phó sứ và các quan lại cấp cao được ghi danh khoảng 400 người.
Phần nhiều những người đi sứ đều có một tập thơ, tuy mất mát nhiều, có người chỉ còn một hai bài nhưng đều được trân trọng đưa vào các tuyển tập, nay còn khoảng 80 tập (đã được dịch, công bố một số ít tập). Đó là một kho tàng văn học lớn trong di sản văn hiến nước ta. Trong số những người đi sứ có thơ còn được lưu lại, Đốc trấn Cao Bằng Đinh Nho Hoàn có một tập thơ đã được dịch và công bố, đó là tác phẩm Mặc Ông sứ tập. Tác phẩm cua ông còn lưu giữ được 120 bài, có thể nói đó là một di sản thơ lớn mà Đinh Nho Hoàn đóng góp cho nền văn học cổ nước ta. Trong tác phẩm Mặc Ông sứ tập, phần lớn các bài đều được xếp vào bậc danh thi.
Người xưa nói chim hồng bay xa, vết móng chim còn in trên bãi cát, các truyền bản Mặc Ông sứ tập của Đinh Nho Hoàn còn lại cho hậu thế cũng như vết móng ấy của chim hồng vậy! Người đời khen ông không phải là quá, thực ông là người có đủ tài năng đức độ, nhân cách lẫn công lao nên đã giúp triều đình trấn giữ miền biên viễn trọng trấn Cao Bằng bình yên trong nhiều năm, rồi khi về giúp triều đình làm việc đại sự “đem chuông đi đấm nước người” và đã để lại cho hậu thế một tập danh thi - quả là một Đốc trấn tài năng.