PGS.TS. Đinh Văn Lượng và Nỗ lực giữ lá phổi của kỹ sư 31 tuổi
Ca ghép tạng đã đưa lá phổi của một nạn nhân bị chết não vào cơ thể của người đàn ông được tiên lượng "Chỉ còn sống không quá 2 tháng." Quá trình giữ lá phổi có thể sống trong nồng ngực bệnh nhân, sau đó mới thực sự là một cuộc chiến...
Một ngày tháng 10/2020, người mẹ - một nữ hộ sinh, khoác chiếc áo blouse ngồi cạnh giường bệnh. Bên cạnh là con trai bà, một kỹ sư trẻ bị chết não sau tai nạn giao thông. Bà đề nghị được chụp bức ảnh cuối cùng với con trai trước khi ký vào quyết định hiến tạng của anh. Ngày mai, tạng của kỹ sư 31 tuổi sẽ dùng để ghép, cứu sống 6 cuộc đời khác… Đó là hình ảnh khó quên với TS.BS Đinh Văn Lượng, PGĐ Bệnh viện Phổi Trung ương, khi ông là phẫu thuật viên chính trong ca ghép phổi từ một người cho bị chết não cho bệnh nhân xơ phổi.
Sau 1,5 năm, ngày 27/2 năm nay, TS.BS Đinh Văn Lượng nhận được cuộc gọi của người bệnh N.X.T từ Thanh Hoá. Chúc mừng bác sĩ nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ông cũng ‘khoe’ đang thể dục, đạp xe tận hưởng những nhịp thở khỏe mạnh. “Nhờ các bác sĩ, cuộc đời tôi được tái sinh lần nữa”, ông nói với người đã đưa lá phổi của kỹ sư trẻ thiếu may mắn vào lồng ngực mình…
Theo TS.BS Đinh Văn Lượng, ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất. Trước đó, tại Việt Nam đã có các ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao khi thời gian sống của bệnh nhân được cho sau ghép phổi không dài. Danh sách bệnh nhân chờ được ghép phổi ngày càng nối dài. Trong đó có ông N.X.T (54 tuổi, ở Thanh Hóa), được chẩn đoán bị xơ phổi. Bệnh diễn biến rất nhanh, xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp, nếu không được ghép phổi, ông chỉ có thể cầm cự khoảng 2 tháng.
Để thực hiện ca ghép phổi này, thời gian chuẩn bị tại Bệnh viện Phổi Trung ương phải tính bằng năm. Theo đó, năm 2018, TS.BS Đinh Văn Lượng cùng các đồng nghiệp đã được cử đi học tại Trung tâm ghép phổi lớn nhất Mỹ là Đại học UCSF.
Sau khi học, nhóm bác sĩ trở về Việt Nam và xây dựng quy trình, kịch bản ghép phổi tại Việt Nam. “Kịch bản vô cùng chi tiết ở từng khâu, như một ca ghép tại tại Mỹ nhưng lại thực hiện ở Việt Nam. Đó là quy trình tiếp nhận người hồi sức chết não như thế nào, bảo vệ phổi ra sao… từ pháp lý đến chuyên môn, văn hóa tâm linh”. TS.BS Lượng nói.
Sáng thứ 5, các bác sĩ vừa khép lại kịch bản rất chi tiết, đến chiều thứ 6, họ nhận được thông tin 1 kỹ sư (quê Hải Dương) bị tai nạn giao thông, chết não đang ở Bệnh viện Việt Đức.
Mẹ anh là một nữ hộ sinh, khi nhận tin con không còn hi vọng, bà đã nghĩ đến việc hiến tạng con để cứu những cuộc đời khác. Trước đó, con gái bà cũng từng mất vì tai nạn giao thông, gia đình muốn hiến tạng nhưng vì nhiều lý do, họ đã chần chừ và cuối cùng từ chối. Ở lần này, người mẹ cũng chần chừ khi gặp nhiều rào cản về tâm lý.
“Đêm đó trời mưa lạnh, tôi và TS.BS Ngọc và Ths.BS Nghĩa - những bác sĩ từng đi học về ghép phổi ở Mỹ, đã đến trao đổi cùng mẹ của nạn nhân. Người mẹ khóc và gật đầu đồng ý. Bà khoác áo blouse đề nghị được chụp ảnh với con trai duy nhất của mình. Bức ảnh được bấm nút lúc 11h30 đêm”.
Sau đó, các bác sĩ chuyển hướng sang hồi sức chết não - đẩy oxy vào 100% nhằm giữ lá phổi, để tiến hành ghép cho bệnh nhân khác. Theo các bác sĩ, giữ được phổi sẽ giữ được các tạng khác (gan, thận…). 6h sáng, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện 108 để phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Trung ương ghép tạng.
“Bệnh nhân vẫn phải thở máy để giữ nguyên tạng, lúc này người đã chết nhưng các tạng vẫn đang sống”, BS.TS Lượng giải thích thêm. Không chỉ hiến phổi, chi, gan, tim của người kỹ sư này cũng được cho đi. “Tạng của anh đã cứu sống và thay đổi cuộc đời 6 người khác. Đến giờ chúng tôi vẫn xúc động, trân trọng trước quyết định của gia đình anh”, PGĐ Bệnh viện Phổi Trung ương nói.
TS.BS Lượng nhớ lại: “Tại Bệnh viện 108, lúc đó chúng tôi như bước vào một đánh trận lớn. Cả Ban giám đốc cùng hệ thống gồm mười mấy phòng mổ được khởi động. Tay, thận, gan và phổi của bệnh nhân được ghép tại Bệnh viện 108, tim được ghép tại Bệnh viện Việt Đức”.
Người nhận phổi là ông N.X.T được chẩn đoán bị xơ phổi, nếu không được ghép phổi mới, bệnh nhân chỉ có thể cầm cự khoảng 2 tháng. Các kỹ thuật ca ghép, trang thiết bị… tuân thủ tuyệt đối theo tiêu chuẩn Mỹ. Ca mổ phức tạp với cán bộ, bác sĩ chuyên môn cao nhất. Hơn 10 tiếng, ca ghép kéo dài từ ngày đến đêm cuối cùng cũng hoàn thành. Nhưng quá trình theo dõi diễn biến sau ghép phổi mới là một thử thách. “Đây tiếp tục là một trận đánh khác”, Ts.BS Lượng nhấn mạnh.
Sau ghép, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ. 4-5 tiếng người bệnh hồi tỉnh, được rút ống nội khí quản. Chỉ sau ghép phổi 2 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu rời giường tập phục hồi chức năng.
Liên tục mỗi sáng, 6-7 bác sĩ, chuyên gia phối hợp hội chẩn thuốc. Sau 1 tháng, bệnh nhân được chuyển trở lại Bệnh viện Phổi Trung ương. Đây là giai đoạn quan trọng để theo dõi tiến triển của bệnh nhân. Một tháng sau, bệnh nhân có thể ra ngoại trú. “Chúng tôi đã liên hệ khu trọ gần viện cho bệnh nhân. Để đảm bảo môi trường sạch, đội kiểm soát nhiễm khuẩn của bệnh viện phải ra xịt khuẩn trước. Sau đó, bệnh nhân mới chuyển đến sống”.
Hai tháng sau ca ghép, bệnh nhân N.X.T được chuyển về quê ở Thanh Hóa. Lúc này, Bệnh viện Phổi Trung ương lại tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Phổi Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý chặt chẽ, diễn tiến của bệnh nhân.
Các diễn tiến tiếp theo đều theo quy trình chăm sóc bệnh nhân sau ghép phổi của Mỹ. Ví dụ tiêm vắc xin Covid-19 cho bệnh nhân cũng tuân theo quy trình Mỹ với 3 mũi Moderna. “Lúc đó vắc xin còn khan hiếm, chúng tôi vẫn phải tiêm cả cho người nhà để tuân thủ theo quy trình, tránh lây nhiễm cho bệnh nhân. Cách đây mấy tuần, bệnh nhân nhiễm Covid cũng xử lý theo quy trình. Hiện sức khỏe của ông đã ổn định”, TS.BS Lượng nói.
Đến nay, đây là ca ghép phổi thành công nhất tại Việt Nam khi bệnh nhân có thời gian sống sau ghép phổi lâu nhất. “Trên thế giới, có trường hợp ghép phổi tuổi thọ kéo dài 20 năm. Chúng tôi cũng phấn đấu chăm sóc, tuân thủ các quy trình để giữ gìn sự sống cho bệnh nhân này được như vậy”, TS.BS Lượng nói.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng xúc động cho biết, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng, "Thành công của ca ghép phổi này cho thấy Việt Nam đã tiếp cận được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép phổi".
Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời TS.BS. Đinh Văn Lượng. Hơn 30 năm trong nghề, nhiều ca phẫu thuật thành công nhưng chưa có ca nào khiến ông xúc động đến vậy. “Chúng tôi như hoàn thành một giấc mơ”, ông nói.
TS.BS. Đinh Văn Lượng kể, các ca thành công không khiến anh ấn tượng bằng những lần chứng kiến bệnh nhân nặng nhưng thuốc, kỹ thuật của y học chưa đáp ứng hoặc bệnh nhân đã can thiệp bằng các phương pháp tiên tiến nhất vẫn không vượt qua được. Cũng có những ca mổ thành công nhưng bệnh nhân bị viêm, kháng kháng sinh và qua đời.
“Cảm giác chứng kiến sự sống của bệnh nhân rời khỏi tay mình buồn, tiếc nuối vô cùng”, ông nói.
Nhiều năm làm chuyên môn về phổi, ông đã quen với tiếng máy thở của bệnh nhân. Có bệnh nhân do ông ngồi theo dõi hàng ngày, hàng giờ. “Nghe tiếng máy thở yếu đi một chút, tim tôi như chùng xuống vì lo lắng. Có nhiều bệnh nhân nặng, ở mức độ thập tử nhất sinh nhưng ca mổ thành công. Khi mình đi qua, họ chào, tôi còn mừng hơn nhận quyết định tăng lên phó khoa, trưởng khoa từ bệnh viện”, PGS.TS Lượng nói vui.
Gần ngày 27/2, anh cùng các đồng nghiệp tất bật với công việc chuyên môn và các nhiệm vụ chống dịch. “Năm 2021 vừa qua cũng là năm đáng nhớ với Bệnh viện Phổi Trung ương khi chúng tôi 4 lần gửi quân chi viện giúp Đồng Nai và các tỉnh phía Nam chống dịch. Bệnh viện Phổi Trung ương cũng được Bộ Y tế giao triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir”, PGS.TS Lượng nói thêm.
Khép cánh cửa phòng làm việc, TS.BS Lượng chia sẻ về cuộc điện thoại chúc mừng từ người bệnh được ghép phổi ở Thanh Hóa: “Chúng tôi vẫn kết nối và theo dõi bệnh nhân thường xuyên. Ông hiện có thể cuốc đất, trồng rau, làm vườn… sinh hoạt như một người khỏe mạnh. Đây là món quà không thể quý hơn với các bác sĩ”.
BS Lượng hy vọng, họ tiếp tục có thêm những ca ghép tạng đem lại sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên một vấn đề khó khăn hiện nay là số người chết não hiến tạng rất ít do nhiều rào cản về quan niệm, tâm lý. Vì vậy nhiều bệnh nhân không thể chờ được và đã qua đời.
“Chúng tôi mong người dân có cái nhìn cởi mở và nhân văn hơn về hiến tạng. Từ đó, có nhiều cuộc đời sẽ được hồi sinh hơn…’’, ông nói thêm.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)