60 NĂM VIỆC NƯỚC VỚI 6 ĐỜI VUA LÊ CỦA ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ
Lịch sử Việt Nam là một quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước lâu dài và liên tục. Trong quá trình đó, có thời kỳ cả dân tộc phải đứng lên chống lại sức mạnh xâm lược của ngoại bang, có lúc lại phải đấu tranh trấn áp các thế lực phản động trong nước, và cũng có những giai đoạn như thời Lê trung hưng là một thời kỳ chiến tranh liên tiếp xảy ra giữa các tập đoàn phong kiến với nhau kéo dài liên miên hơn hai thế kỷ. Sinh sống trong bối cảnh đặc biệt ấy, hầu như cả dân tộc bị lôi cuốn vào cuộc chiến, và từ trong khói lửa của chiến tranh đã xuất hiện những dòng họ mà nhiều thế hệ nối tiếp đều có người làm tướng đánh trận. Họ Đinh ở Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương là một họ tộc như vậy.
I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐẠI VƯƠNG ĐINH VĂN TẢ
Ngược dòng lịch sử, theo truyền thuyết, dòng họ Đinh Hàn Giang, Hải Dương là hậu duệ của Kim ngô Đại tướng quân Đinh Điền, anh em Đinh Tiên Hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh. Sau khi nhà Đinh mất, con cháu Tướng quân Đinh Điền phải sống lẩn tránh ra các địa phương. Một trong các chi hậu duệ của Cụ đã di cư đến ở tổng Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương nay là làng Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Nếu không kể vị Thủy tổ theo truyền thuyết là Đại tướng quân Đinh Điền, người đã phò tá vua Đinh Tiên Hoàng, thì truyền thống làm tướng đánh trận của họ Đinh bắt đầu từ Kỳ huân Đại tướng quân Đinh Đàm. Cụ từng theo Lê Thái Tổ tiến hành khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh thành công, được phong tặng Thái bảo Thạch Quận công. Từ đó trở đi, hầu như đời nào họ Đinh ở Hàn Giang cũng xuất hiện hàng loạt những danh tướng, trong đó không ít người có thể gọi là nhân tài quân sự, chính trị xuất sắc, không chỉ là tướng chỉ huy đánh trận tài ba mà còn là những nhân vật nắm quyền quyết định liên quan đến vận mệnh an nguy của triều đình mà sử sách vẫn còn ghi lại như Thượng tể Lộc công Đinh Văn Tả, Thái phó Hiển quận công Đinh Văn Vỹ, Thái phó Phác trung hầu Đinh Phục, Thái bảo Hàn Xuyên công Đinh Nhạ Hành, Thái bảo Cần quận công Đinh Văn Giai, Thái tể Liễn trung công Đinh Tích Nhưỡng.v.v… Cũng chính vì thế mà người đời có câu ngạn ngữ “Hàn Giang thảo tặc” là có ý nói người họ Đinh ở Hàn Giang đánh giặc giỏi.
Cụ Đinh Văn Tả sinh giờ Dần, ngày Bính Tý mồng 2 tháng 11 năm Kỷ Hợi (1599), niên hiệu Quang Hưng thứ 22 tại quân doanh An Trường, huyện Châu Phúc, xứ Thanh Hoa (nay là khu vực thành phố Vinh, Nghệ An). Mất giờ Thân, ngày mồng 4 tháng 5 năm Ất Sửu (1685), niên hiệu Chính Hòa thứ 6. Cụ Đinh Văn Tả, Thượng tể tứ tước Lộc quận công thụy Vũ Dũng, sinh phong là Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thành hoàng, là con trai cụ Thái bảo Hùng quận công Đinh tướng công húy Văn Phủ (Đinh Văn Phủ: 1545-1600) tức thụy Huệ Quang, Trung đẳng Đại vương, có công dẹp nhà Mạc, được phong Hùng Quận công và cụ bà Quận phu nhân Nguyễn Quý thị húy Năng (Nguyễn Thị Năng) thụy Từ Quý Lệnh nhân, tự phu nhân, Quận phu nhân, Trung đẳng Bà vương, nổi tiếng là người hiền hoà nhân hậu, sinh thời được tôn là Hiền mẫu. Cụ Đinh Văn Tả sinh năm cụ Hùng Quận công (bố) 54 tuổi và cụ bà Quận phu nhân (mẹ) 31 tuổi.
Theo cuốn Đinh gia miếu ngọc phả truyện thì các vị tổ từ cụ Thạch quốc công Đinh Đàm đến cụ tổ đời thứ tư là Hùng quận công Đinh Văn Phủ được coi là các vị Thượng tổ, Sơ tổ, Tiền tổ. Tới đời thứ năm là Lộc công Đinh Văn Tả bắt đầu là Thủy tổ. Cho đến ngày nay, căn cứ vào các tài liệu còn lưu trữ trong dòng họ và cơ quan quản lý tài liệu cổ, Viện sử học quốc gia thì dòng tộc Đinh Văn tại Hải Dương suy tôn Thượng đẳng Đại vương, Thượng đẳng Thành hoàng Đinh Văn Tả là Thủy tổ của dòng họ Đinh tại Hàn Giang, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Chưa đầy 2 tuổi, Cụ đã mồ côi cha. Sinh ra trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động, vốn có truyền thống hiếu học, Cụ Đinh Văn Tả đã sớm có ý chí rèn luyện võ nghệ, học tập binh pháp để nối nghiệp cha ông. Khi 8, 9 tuổi, Cụ được mẹ cho đi học thày giáo trong thôn. Cụ là người con rất có hiếu, ban ngày vác củi gánh nước giúp mẹ, đêm đến mới thắp đèn đọc sách theo điều thày dạy. Năm 13, 14 tuổi, Cụ được mẹ gửi sang học chữ ở nhà Tướng công họ Phạm xã An Lâm, huyện Thanh Liêm (Nam Sách). Mấy năm học ở nhà Tướng công, Cụ được Tướng công truyền thụ, giảng dạy theo cuốn “Binh thư” của cha ông để lại và tinh thông võ nghệ. Tướng công mến tài năng của Cụ và đã hứa gả con gái cho Cụ (sau này là cụ bà Phạm Thị Điều). Cụ là người thông minh, sức khỏe phi thường, có biệt tài cưỡi ngựa, bắn cung, tính tình phóng khoáng, không chịu bó buộc, nổi danh về tài thiện xạ, cưỡi ngựa múa đao, xuất nhập khôn lường.
Một hôm đi ngang qua trường bắn, thấy binh lính đang thi bắn, Cụ cười lớn mà nói rằng: “Bọn bay bất tài, ăn phí cơm gạo”. Quan giám khảo Thái úy Dương Quốc công húy Nguyễn Hữu Liêu nghe thấy liền gọi Cụ vào cho thi bắn. Cụ bắn phát nào cũng đều trúng hồng tâm (điểm đỏ tức vòng 10). Tài bắn cung của Cụ đồn đại đến tai vua. Vua sai gọi đến trước bệ rồng cho yết kiến. Nhân đó, Cụ tâu lên Hoàng Thượng công trạng của ông cha mình khi trước. Vua Thần Tông nghe tâu xong, truyền rằng: “Ông cha ngươi trung nghĩa, ai nấy đều cũng biết, nay cho phép ngươi được theo việc binh để lập công. Ngươi hãy kính tuân lời dụ”. Ngay ngày hôm ấy, Cụ được vua cho tòng quân, ban sắc làm Điện tiền Đô lực sỹ, cai quản toàn bộ quân cấm binh bảo vệ loan giá nhà vua khi đó Cụ mời ngoài hai mươi tuổi. Nhà vua đặc biệt sủng ái đối với Cụ nên đã đích thân đứng ra làm chủ hôn, lấy vợ cho Cụ ở nhà quan Bình chương trạng nguyên họ Phạm, người thày dạy chữ, dạy võ nghệ và dạy làm người cho Cụ. Cả hai bà, một người là con gái nhỏ, một người là cháu gái lớn của quan Trạng cùng quy về nhà cụ. Bà cả sinh được 3 con trai, bà hai sinh được một trai và một gái. Các con trai, con rể của cụ sau này đều trở thành Quận công, có nhiều công lao đóng góp cho sự hưng thịnh của đất nước.
Cuộc đời Cụ gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc. Với 60 năm gánh vác việc nước của 6 triều vua Lê trung hưng, 74 trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng đẳng Đại vương Đinh Văn Tả là một vị tướng trụ cột triều đình, khai quốc công thần phò Lê diệt Mạc, rất xứng đáng được vua ban 4 chữ “智甬明忠”"TRÍ DŨNG MINH TRUNG" và “SINH PHONG THƯỢNG ĐẲNG ĐẠI VƯƠNG, THƯỢNG ĐẲNG THÀNH HOÀNG”, ban lập đền thờ khi còn sống.
(Còn tiếp)
Đinh Văn Bình
Hậu duệ thứ 12 Đại vương Đinh Văn Tả.