ĐẠI TÁ, ANH HÙNG - TÌNH BÁO CHIẾN LƯỢC ĐINH THỊ VÂN
Bước đường đến với Cách mạng
Vào năm 1925 thầy giáo Đào Đình Mẫn quê ở Tu Trình, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong quá trình dạy học đã tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho một số học trò của mình như: Đinh Thúc Dự, Đinh Quang Hạp, Đinh Văn Trai, Đinh Văn Huyên, Phạm Đình Duy, Đinh Văn Khiên,Nguyễn Văn Lữ…Năm 1929 thầy giáo bị bắt.
Đầu năm 1933, đồng chí Nguyễn Văn Hồng con bà bác thuộc xã Vũ Vân, Vũ Thư, Thái Bình đưa đồng chí Phạm Quang Lịch
Quê làng Nam Huân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình là Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Bình vừa vượt ngục ở nhà tù Hỏa Lò sang từ đường họ Đinh Đông An, gặp các học sinh của thầy giáo Đào Đình Mẫn, tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản. Những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lê Nin như: Luận cương chính trị, chủ nghĩa cộng sản sơ giải, Tuyên ngôn cộng sản,điều lệ đảng, công tác vận động thanh niên, phụ nữ. Đồng chí đã vận động anh em xây dựng Hội nông dân tương tế, chống nạn cho vay nặng lãi, tổ chức lớp học xóa nạn mù chữ…Qua hoạt động sôi nổi của phong trào, được thử thách và trưởng thành, đồng chí Phạm Quang Lịch đã chọn được 4 hội viên là: Đinh Thúc Dự, Đinh Văn Huyên,Đinh Văn Trai, Phạm Đình Duy tổ chức thành chi bộ Đảng Cộng Sản Đông Dương lấy tên là chi bộ Đông An do đồng chí Đinh Thúc Dự làm Bí thư. Buổi lễ thành lập Chi bộ được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 năm 1933, tại gác chuông chùa Một Liêu Thượng. Đinh Thị Mậu vừa tròn 17 tuổi, là cô gái thùy mị, nết na, nhanh nhẹn được anh mình tin tưởng giao cho làm liên lạc, văn thư của Chi bộ. Công việc của chị là phải chuyển báo cáo lên cấp trên, nhận các tài liệu báo chí về cho Chi bộ. Chị thường xuyên có mặt tại nhà đồng chí Vũ Đức Mâu thôn Thọ Vực, cách nhà 3 Km, là Bí thư Phủ ủy Xuân Trường nơi in báo Tiến Lên của Liên tỉnh ủy C, chủ bút là đồng chí: Đặng Xuân Khu và Đặng Xuân Thiều( tiếp đó là đồng chí Đặng Xuân Quyền,Nguyễn Văn Kiêm, Nguyễn Ngọc Thế, Nguyễn Mai Nhiếp, Đặng Xuân Bàng, Đặng Vũ Rính). Qua mối thông gia thân tình chị biết được anh Nguyễn Văn Oánh ( ông Đào Lương Ngọc em thím Đào Thị Gấm có vợ là Nguyễn Thị Châu chị ruột của Nguyễn Văn Oánh ở Hạc Châu). Phong trào yêu nước ở Hạc Châu do Nguyễn Văn Oánh chỉ đạo, chị phải thường xuyên tới đưa tài liệu báo chí. Nhân dịp kỳ nghỉ hè anh Nguyễn Văn Hoằng học trường thành chung năm thứ nhất chuyển sang học nghề Y làm ở Nhà thương Đồn Thủy, phố Lò Đúc về quê. Anh Nguyễn Văn Oánh đã giới thiệu bác mình cho Đinh Thị Mậu. Để tránh đi lính quân dịch cho Pháp, anh Hoằng đã lấy tên anh trai minh là Vân đang làm quân dịch cho Pháp. Sau một thời gian tìm hiểu, chị Đinh Thị Mậu đã xây dựng với anh Hoằng, từ đó chị mang tên chồng là Đinh Thị Vân theo phong tục tập quán của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.
Năm 1943-1944, chị được anh Đinh Thúc Dự chỉ đạo, cử chị đi lên Hà Nội móc nối với cơ sở cách mạng nội thành, vừa để cho chị có điều kiện gần chồng và nuôi cháu Đinh Xuân Mẫn con anh trai cả là Đinh Mạnh Thường học trường tư thục Thăng Long do ông Hoàng Minh Giám làm Hiệu trưởng( Đinh Xuân Mẫn sau Cách mạng tháng 8 là Trưởng phòng tác chiến, Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND/VN). Chị đã trọ ở nhà bà Cả Dòe,bố trí cho Mẫn trọ ở nhà bà Trưởng Lộc. Ông Trưởng Lộc là chiến sỹ cách mạng ( Bí thư Thành ủy). Sau một thời gian ngắn chị đã liên hệ được với tổ chức cách mạng ở Hà Nội. Đầu năm 1945 quân đồng minh vào tước vũ khí của quân Nhật, bọn lính khố đỏ bí mật bán vũ khí, được sự chỉ đạo của anh mình, chị đã mua được, cùng nhiều tài liệu, báo chí của thành ủy chuyển về cho anh mình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Đầu tháng 7 năm 1945, chị được điều về xã tiếp tục nhận nhiệm vụ Văn thư của Chi bộ. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 chị nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa do đồng chí Đoàn Trần Phong cán bộ của tỉnh chuyển tới, chị đã kịp thời chuyển cho anh mình đang chi đạo nhân dân đắp đê chống lũ ở Phú Ân. Chị tiếp tục về thông báo cho Chi bộ và các đoàn thể quần chúng biết. Sáng ngày 20 tháng 8 năm 1945, chị Đinh Thị Vân dương cao lá cờ đỏ sao vàng, dẫn đầu đoàn Nghĩa quân tới huyện lỵ Xuân Trường, buộc Tri phủ Vũ Văn Tỉnh cùng bọn quan nha đầu hàng vô điều kiện. Đoàn nghĩa quân phối hợp với liên chi bộ Xuân- Giao- Hải ở Lạc Nghiệp chiếm đồn Lạc Quần và huyện lỵ Giao Thủy.
Lấy vợ cho chồng tập trung làm việc nước
Cách mạng tháng 8 thành công ,ngày 30/6/1946, chị được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và giữ chức huyện ủy viên huyện ủy Xuân Trường, ủy viên Thường vụ Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nam Định. Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nam Định ( 1951-1953),chồng chị được điều về phụ trách bộ phận y tế của tỉnh đội Nam Định.
Ngày 18 tháng 10 năm 1949( tức 27 / 8 Kỷ Sửu), hàng nghìn quân Pháp từ tàu chiến đổ bộ lên Hạc Châu đóng bốt số 6, Liêu Đông, đánh chiếm Hành Thiện, Bùi Chu. Rồi từ đấy địch tỏa ra lần lượt chiếm các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực. Cơ quan huyện ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện sơ tán sang thôn Thái Công, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình( thời gian này địch chưa chiếm Thái Bình). Anh Hoằng chồng chị chuyển vào vùng tự do làm ở đơn vị An dưỡng đường.
Xuân Thành quê chị nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của đich: Phía Đông có bốt Liêu Đông, phía Tây có bốt Vạn Lộc, phía Bắc có bốt Thủy Nhai Hành Thiện, trung tâm xã, nhà thờ Cát Xuyên trở thành đồn bốt do linh mục Trúc chỉ huy. Đoàn Liên Trì trước là cán bộ Việt Minh của huyện cùng công tác với chị, nay là Quận phó Công An đặc vụ, chúng lập ra “ khu công giáo tự trị Bùi Chu”do tên trùm phản động Phạm Ngọc Chi trực tiếp điều hành. Nhiều nhà thờ Lục Thủy, Phú Nhai,Bùi Chu đã biến thành địa ngục trần gian.chúng cưỡng ép hàng nghìn giáo dân theo chúng, lập ra ra hệ thống ngụy quyền, ngụy quân, lính dõng, vệ sỹ hàng ngày càn quét, đốt phá, bắt bớ cán bộ. dêm đêm chúng phục kích ở những trọng điểm như: Miếu Chú Khách trại Liêu Thương, trại Hạ Miêu, Miếu Âm hồn. Một số cán bộ ta ở Thái Bình về bị chúng bắn chết như bí thư chi bộ Phạm Văn Luận hy sinh tại miếu Chú Khách. Em chị Đinh Quang Tuyến Chính trị Viên Huyện Đội bị bọn dõng Vạn Lộc bắn chết tại Thọ Vực xã Xuân Phong. Để đôi phó với tình hình khủng bố gắt gao của địch. Người đầu tiên được huyện ủy cử về xây dựng phong trào là chị Đinh Thị Vân. Chỉ trong thời gian ngắn, các cỏ sở kháng chiến đã được phục hồi để đưa cán bộ từ Thái Bình trở về hoạt động bí mật, được nhân dân nuôi dưỡng, che chở. Các thanh niên dân quân du kích trước đây đã được tập hợp thành tổ chức đối phó với địch. Một số tên theo địch hàng ngày đi tới các gia đình dò la tin tức, chỉ điểm để bọn dõng Cát Xuyên bắt bớ. Đầu tháng 2 năm 1951đồng chí Đinh Thúc Dự và các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện ủy từ Thái Bình trở về cơ sở gia đình anh Trịnh Bá Giáp thôn Văn Phú( chị Phúc vợ anh Giáp là em gái chị Đào Thị Lộc vợ anh Đinh Thúc Dự) được sự bố trí của chị Vân, bộ phận du kích đã canh phòng nghiêm ngặt, sau khi họp xong gia đình tổ chức giết gà nấu cháo. Trong lúc Đinh Văn Tiềm đưa mâm cháo lên, chị Vân đã để ý đĩa thịt gà chỉ thấy có một chân gà. Khi cuộc họp giải tàn, chị bí mật theo dõi Tiềm. Sáng hôm sau Tiềm đã đem chân gà báo với cha sứ, lập tức bọn dõng Cát Xuyên ập đến nhà anh Giáp để bắt anh Dự. Được gia đình đã đào sẵn hầm bí mật dưới gầm chuồng trâu, anh Dự được giấu an toàn. Sau đó tên Tiềm đã được cách mạng sử lý. Tên Đào Văn Hanh, là tên ăn chơi trác táng được chúng mua chuộc, hàng ngày Hanh la cà dò la tin tức, đã được chị Vân viết thư cánh cáo nhiều lần, nhưng Hanh vẫn cố tình theo giặc buộc cách mạng phải sử lý. Như vậy hai tên theo địch cùng là người trong họ, sau khi bị ta sử lý, tình hình được ổn định. Ban đêm dân quân du kích đã làm chủ. Từ kinh nghiệm gây dựng lại phong trào cách mạng của quê hương chị, với trọng trách là Hội trưởng phụ nữ Cứu quốc tỉnh, chị đã mở rộng địa bàn hoạt động ra các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh trong suốt thời gian địch tạm chiếm 2 măm 4 tháng ( 10/1949-2/1952).
Năm 1953 bọn địch buộc phải rút vào các đồn bốt, rồi tổ chức các cuộc bao vây, càn quét. Khu du kích hình thành, chị đã ra vùng tự do báo cáo tình hình. Đó cũng là dịp chị gặp được người chồng yêu quý của chị. Tới cơ quan An dưỡng đường chị gặp được cô Đào Thị Sen quê ở huyện Vụ Bản làm hộ lý cùng phòng với anh Hoằng, qua tiếp súc chị thấy Sen ngoan ngoãn, dịu dàng,có đạo đức, trong lòng chị nẩy sinh ra ý nghĩ để Sen thay mình chăm sóc cho chồng. Trong những giờ phút ân ái bên chồng, chị đề xuất với Hoàng. Lúc đầu Hoằng không chịu,rồi chị bàn với Sen, Sen cũng cũng bất ngờ không giám nghĩ tới. Một con người như chị thương yêu chồng hết mực, đã từng lo cho anh từ bát cơm, chén nước, chưa có bao giờ to tiếng với nhau, tình nghĩa tao khang ít có đôi vợ chồng nào sánh được, không lý gì Sen có thể chen vào hạnh phúc sắt son đó. Nghĩ đến công việc Đảng giao, phong trào cách mạng phụ nữ của Nam Định đang bị địch khủng bố, đàn áp đòi hỏi đôi vai chị phải gánh vác. Rồi nợ nước, thù nhà chưa trả xong, chị quyết định thuyết phục bằng được chồng và cô Sen lấy nhau. Với tài vận động quần chúng, xuất phát từ tình thương yêu, quý trọng , buộc anh Hoằng và cô Sen đồng ý theo quyết định của chị. Được sự nhất trí của tổ chức, đám cưới giữa Đào Thị Sen và anh Hoằng được tổ chức trước sự chứng kiến của chị
Bước vào nghề tình báo
Khoảng cuối tháng 6/1954 Đinh Thị Vân nhận quyết định, lên công tác tại cơ quan Cục Tình báo, lúc này chị đang là Huyện ủy viên và Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nam Định. Không thể riêng chị mà thôi số Huyện ủy viên khác cũng được bố trí chuyển công tác để sẵn sàng đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, dù chưa biết cụ thể là nhiệm vụ gì.
Quân Pháp rút khỏi Bùi Chu rồi bỏ tiếp Nam Định, Hà Nam. rút về Hà Nôi, Nam Định vừa giải phóng. Theo đường Cổ Lễ lên thành phố Nam Định, chị gặp các đồng chí toàn là người quen ở cơ quan tỉnh đang thu giấy laissr passr ( giấy thông hành địch cấp cho dân thời trước đó) chị chọn cho mình một tờ để thuận đi lại sắp tới, chị lấy giấy có tên là Trần Thị Mỹ ( khai sinh hơn chị 3 tuổi).
Với giấy thông hành mang tên Trần Thị Mỹ, từ Xích Thổ, Chi Nê rồi vượt qua vùng “khu trắng”của địch ở Hà Đông và sau hai hôm chị có mặt tại một nhà dân gần đường số 6( Xuân Mai Hà Đông), nơi đất cơ quan Cục Tình báo. Ba ngày nghiên cứu tình hình, nghe phổ biến nhiệm vụ; biết được trước đây chị có thời gian sống ở Hà Nội và là người có kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, ngày thứ tư, đồng chí Nguyễn Trọng Sỹ trực tiếp giao cho chị vào Hà Nội bắt liên lạc, lấy chỗ đứng chân sau đó phát triển ra …
Đinh Thị Vân lên đường cùng nữ liên lạc tên Hà. Hai người trong vai chị dâu em chồng với lý do Hà đi thăm chồng đang trong quân đội quốc gia . Đến ngã tư Tràng Tiền, gần chỗ bán hoa đối diện với hiệu Gô-la, Hà ở lại, còn chị giả vờ mở gói trầu ra ăn để chờ gặp bà Cả Dòe, một người quen trước đó 10 năm ở làng Ngọc Hà.
Bà Cả Dòe sống trong một gia đình làm ăn nề nếp, có nhiều người thân tham gia cách mạng trước khởi nghĩa; cô Lộc em gái bà là vợ một đồng chí đã hy sinh, tuy nhiên vì nhiệm vụ chị vẫn phải thận trọng và không thể tùy tiện. Các đồng chí Cục Tình báo dặn kỹ: “ Phải làm sao biết được ý đồ chiến lược của địch, tình hình viện trợ của chúng có gì mới, khả năng tổng động viên của chúng đạt đến đâu; chúng đang thực hiện âm mưu gì? Và Mỹ nhảy vào bằng cách nào? … “ Những điều chị có thể lấy được có giá trị bằng sức mạnh hàng sư đoàn. Tiếp đó là công việc gây co sở trong hàng ngũ địch hoặc luồn người vào các cơ quan đầu não của chúng, phải lấy đạo lý, nhân nghĩa mà chuyển hóa con người để họ thực sự có lý tưởng chiến đấu, phục vụ cách mạng chứ không phải là bán tin tức tình báo cho mình…
Luôn hoàn thành nhiệm vụ
Nhiều việc đã tính toán kỹ nhưng Đinh Thị Vân cũng không thể lường trước được những khó khăn trong công việc của người tình báo. Phải làm thế nào để có thể nắm được những điều hệ trọng như vậy. Người biết những vấn đề chiến lược thường nằm ở cơ quan đầu não mà ở đó, việc chống đối cách mạng lại rất quyết liệt. Nhưng đã là nhiệm vụ thì khó mấy cũng phải hoàn thành và bắt buộc phải tổ chức được mạng lưới thì mới có thể thực hiện được kế hoạch công tác. Đây là bài toán hóc búa mà chị phải là người đặt những bước đi đầu tiên để tìm ra đáp số. Giữa thành phố nơi địch có đủ các thành phần, như công an, mật thám, chỉ điểm, mũ nồi xanh, chúng có thể bất ngờ dí súng vào lưng bất kể ai mà chúng nghi là Việt Minh, Cộng Sản thì mọi kế hoạch lúc nào cũng có thể đổ vỡ.
Trong khi đó tổ chức lại không cho chị bất kỳ một cơ sở nào trong một thành phố để bắt liên lạc. Dù biết con đường phía trước vô cùng chông gai. thử thách,nhưng chị tin tưởng rằng mình sẽ vượt qua. Những năm trước, khi Huyện Ủy Xuân Trường phân công về xây dựng cơ sở, khôi phục phong trào, chị cũng đứng trước những thử thách, có khi còn khó khăn hơn bây giờ. Thế nhưng nhiệm vụ lần này có những cái khó, đây không phải là vùng nông thôn, mà là giữa nơi thành thị, trong khi chị xuất thân quê mùa, răng đen, ăn trầu, vì vậy công việc sẽ khó khăn hơn nhiều nhất là việc hòa nhập với cuộc sống giữa phồn hoa. Khó khăn khác nữa là bọn phản động ở Bùi Chu, Xuân Trường theo quan thầy từ Nam Định, Ninh Bình lên Hà Nội không ít. Chúng có thể nhận ra chị, chỉ cho địch bắt bất cứ lúc nào. Trong khi đó theo kế hoạch của Cục Tình báo thì trong một tháng phải chuẩn bị xong các cơ sở ăn ở, đi lại và mọi thứ giấy tờ hợp pháp. Chắc chắn khi tổ chức giao nhiệm vụ cho chị đã tin tưởng vào khả năng, dù chị chưa qua một lớp học nghiệp vụ tình báo nào.
Qua bà Cả Dòe, Đinh Thị Vân thu xếp nơi ở tạm rồi nhanh chóng móc nối với một số đồng chí hoạt động trước đây ở Nam Định nay đang làm việc trong cơ quan của địch. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc thu thập tin tức và gây cơ sở trong nội bộ địch và chỉ trong một thời gian ngắn chị đã xây dựng được một số cơ sở tin cậy ở nội thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chuẩn bị cho nhiệm vụ mới, cấp trên yêu cầu chị mở rộng hoạt động xuống địa bàn Hải Phòng. Chấp hành chỉ thị, Đinh Thị Vân lại lọt qua lưới kiểm soát dầy đặc của địch trên đường số 5 để xuống Hải Phòng. Nhờ các mối quan hệ và công tác vận động, giác ngộ quần chúng, Đinh Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian 300 ngày tập kết.
Hoạt động bí mật “ Dì Sáu di cư”
Tháng 10/1954 trước ngày ta giải phóng Thủ đô, chị Vân nhận lệnh bí mật vào Nam hoạt động. Từ cảng Hải Phòng , chị hòa mình vào dòng người xuống tàu “ Há mồm ” theo Chúa vào Nam và từ cái “ vỏ bọc ” đó , những ngày chân ướt chân ráo trên đất Sài Gòn hoa lệ, Đinh Thị Vân đã tìm cách ngụy trang che mắt địch, vừa để hoạt động vừa có điều kiện buôn bán kiếm sống, mọi người gọi chị với tên “ Dì Sáu di cư ” gánh guốc đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm,từ chợ Bàn Cờ, chợ An Đông , đến chợ ông Tạ, chợ Cầu Bông, từ ngã tư Hàng Xanh vòng lên chợ Cầu Muối, dì Sáu dần dần hòa nhập với nhịp sống Sài gòn.
Tại thời điểm này để hỗ trợ cho hoạt động của chị, cấp trên thông báo “ Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam và tuyên án tử hình vắng mặt ”. Tin dữ này lan truyền quá nhanh , anh em đồng chí, họ hàng quê hương …bàng hoàng sửng sốt . “Vụ án chính trị ” trên đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của chị trên miền Bắc bị vạ lây suốt nhiều năm trời . Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch , tạo điều kiện thuận lợi cho chị hoàn thành nhiệm vụ .
Việc xây dựng cơ sở tình báo ở Sài Gòn đã ổn định đi vào hoạt động. Đinh Thị Vân nhận lệnh hỏa tốc ra Hà Nội, báo cáo tịnh hình và nhận nhiệm vụ đặc biệt của cấp trên . Trên cương vị một tổ trưởng điệp báo, kết quả hoạt động bước đầu của chị ở Sài Gòn, được cấp trên đánh giá rất cao. Nhiều anh em trong mạng lưới từ Hà Nội theo đường di cư vào Nam trong thời gian ngắn đã tìm được cách chui sâu vào hàng ngũ địch … Đó là chiến công đầu tiên của Đinh Thị Vân trên trận tuyến thầm lặng đầy cam go trong lòng địch.
ĐINH THỊ VÂN tai căn cứ CM miền Nam
Che mắt địch nhận người quá cố làm chồng
Lúc này Sài Gòn vô cùng phức tạp và rối ren, Đinh Thị Vân không đi bán guốc nữa và theo bà con tản cư về Tân Sơn Nhì, xóm Mồ Côi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhưng những hoạt động lặng lẽ của chị ở đây đã gây sự chú ý của tổ chức ta. Các đồng chí lãnh đạo cơ quan tuyên huấn Đặc khu Sài Gòn Chợ lớn đã họp bàn về “ dì Sáu di cư ” đặt nghi vấn, thậm chí có ý kiến cho rằng chị là tay sai của Ngô Đình Diệm đi dò la tin tức, lập phương án thủ tiêu.
Trong lúc ngụy trang để che mắt địch vừa phải khôn khéo né tránh kế hoạch thủ tiêu từ phía ta thì một biến cố lớn xẩy ra. Cơ quan lãnh đạo của Đặc khu ủy Sài Gòn- Chợ lớn do có kẻ chỉ điểm, nên hầu hết các cơ sở đều bị đàn áp và khủng bố giã man. Ông Ba Trưởng ban Tuyên huấn của Đặc khu là một trong lãnh đạo có tên trong “ sổ bìa đen ” của địch và bị chúng theo dõi gắt gao. Bằng sự nhậy cảm của một cán bộ dày kinh nghiệm, qua báo cáo của đội biệt động về Đinh Thị Vân , ông Ba tin rằng Đinh Thị Vân là một người yêu nước nên trong lúc cơ sở bị lộ , trong tình huống cực kỳ hiểm nghèo,ông đã chủ động chạy vào nhà riêng của chị để ẩn nấp và giấu tai liệu. Vượt qua nhiều cặp mắt cú vọ của mật thám, chiều hôm ấy chị về nhà giật mình thấy một người ốm yếu đang nằm hấp hối dưới nền nhà, linh tính mách bảo đây là đồng chí của ta bị địch truy ráp cùng đường nên liều ẩn nấu vào, chị vội nấu nồi cháo nóng bón cho ông. Biết minh không qua khỏi, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông Ba trao tài liệu cho chị rồi nói: “ Sau này sẽ có người trả ơn bà” Đinh Thị Vân ân cần trả lời: “ Ông cứ yên tâm đây là Đảng nuôi ông” Ông Ba nở nụ cười rồi thanh thản ra đi.
Trong lúc gấp rút, vì muốn đồng chí của mình có được phần mộ tử tế và che mắt địch, chị quyết định nhận ông là chồng, lo tang lễ công khai cho ông. Với vành khăn trắng trên đầu, chị Vân tìm cách báo cáo cấp trên, bắt liên lạc để trao cho Đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn toàn bộ tài liệu quan trọng mà ông Ba gửi lại.
Tìm hướng liên lạc mới
Giữa tháng 3 năm 1956, lưới tình báo của Đinh Thị Vân đang phát triển thuận lợi. thì đường dây liên lạc với Trung Ương đột nhiên bị đứt. Không thể để chậm chễ, chị quyết định ra Huế và Quảng Trị để tìm hiểu tình hình và tổ chức đường dây liên lạc ra Bắc. Nhưng mọi cố gắng đều vô vọng, việc liên lạc đường bộ hoàn toàn không thực hiện được. Chị quyết định tìm hướng liên lạc ra Bắc qua CămPuChia. Vẫn bản căn cước “ là người đi buôn ”. Ngày 15/7/1956 Đinh Thị Vân lên đương đi Phnom Pênh, ở đây chị có thể liên lạc được với Hà Nội bằng thư từ, bưu thiếp. Nhưng đường dây này không an toàn. Do đó đến giữa năm 1957 theo yêu cầu của cấp trên, chị cắt đứt đường dây liên lạc này và tổ chức đường dây mới Tây Nguyên, qua Playku-Kontum. Tại đây chị đã gặp được một ngươi quen từ Hà Nội di cư cùng chuyến tầu đang làm việc và ở ngay trong cơ quan quân sự của địch. Từ đấy đường dây liên lạc với cấp trên theo đường 14 được thiết lập và đi vào hoạt động . Những tin tức quan trọng lại được báo cáo đều đặn ra trung tâm. Từ cuối năm 1958 tình hình toàn miền vô cùng căng thẳng. Ngô Đình Diệm tiến hành chính sách tố Cộng, diệt Cộng vô cùng dã man và tàn bạo. Đinh Thị Vân chuyển thành nghề thợ may, bỏ mối thêu ở Ngã ba Vườn Lài. Công việc vừa mới tiến triển thì lại nhận được lệnh “ Phải nghiên cứu gấp tình hình Nam vĩ tuyến 17 sự bố phòng của sư đoàn 1 của địch, đồng thời tìm hiểu xem địch biết lực lượng ta ở Hạ Lào như thế nào? ”.
Đinh Thị Vân vội vàng đi Huế rồi tìm cách ra giới tuyến với sự quan sát chính xác và chiếc máy ảnh Betri nhà nghề , toàn bộ phòng thủ của địch từ Huế đến Gio Linh, các vị trí đóng quân , hệ thống công sự, các bãi mìn, một số phương án tác chiến, hướng triển khai các trung đoàn bộ binh đã được mạng tình báo Đinh Thị Vân thu thập, phân tích, báo cáo chi tiết ra Hà Nội góp phần quan trọng vào chiến thắng của ta trong giai đoạn này
Bất khuất trước đòn thù
Tháng 8/1959 khi đang hoạt động trước hang ổ địch ở Sài
Gòn, do sơ xuất của một cơ sở trong lưới Đinh Thị Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam. Địch tra khảo chị về đồng chí Nam Phong một giao thông viên của Khu ủy.
Bọn mật vụ thay nhau tra khảo suốt đêm hòng làm chị mệt mỏi phải cung khai, tiếp đó là những trận đòn vùi dập trong Sở mật vụ khiến 10 ngón tay chị sưng húp, không cựa quậy được… Không “ moi” được tin tức gì chúng đem máy quay điện đến, lúc này chị chỉ còn thấy những tia lửa xanh đỏ lóe lên trước mặt, rồi toàn thân rung lên và ngất đi không biết gì nữa. Chúng tra tấn chị ngất đi, tỉnh lại không biết bao nhiêu lần, nhưng chị vẫn không hé răng khiến bọn mật vụ cay cú trói chị vào ghế…
Dũng khí phi thường của người Cộng Sản
Một tên tâm lý chiến nói năng có vẻ nhỏ nhẹ đến tâm sự: “ Như thế là chúng đánh dì 4 cách rồi, còn 3 cách nữa ác lắm,con sợ dì không chịu được. Vậy dì nên khai đại đi, nếu chúng không lập được hồ sơ về dì thì con sợ chúng đánh dì chết mất.” Đinh Thị Vân nghĩ chúng bay còn ba cách, chứ còn 30 cách tra tấn nữa, tao cũng không sợ và chị tiếp tục im lặng khiến tên Tâm lý chiến không biết làm gì hơn. Tức giận chúng treo ngược chị lên, đạp văng từ bên này sang bên kia, có lúc quay như con quay làm đầu óc chị choáng váng, nước mắt, nước mũi trào ra. Sau chúng dúi đầu chị xuống thùng nước xà phòng, bắt chị uống nước đầy bụng, rồi vất chị lên nắp thùng phuy chứa nước bẩn, đưa máy quay điện dí sát vành tai rồi quay mạnh, làm chị bị hất nhào xuống nước, toàn thân co giật liên hồi…
Sau mấy ngày địch thôi tra tấn, chúng gọi chị lên và nói: “ Nếu thực sự là người buôn bán thì giấy bút đây viết hai câu: “ Đả đảo Cộng Sản, đả đảo Hồ Chí Minh, chúng tôi thả bà ngay ” Đinh Thị Vân lấy lý do đau tay, “ với cụ Hồ có bắt bớ gì tôi đâu mà đả đảo” . Chúng bảo, “ thế thì hô bằng miệng cũng được” . Lúc này không còn kìm được, chị đứng dậy chỉ vào mặt tên chủ sự mà rằng: “ Tổ sư cha cái thằng Ngô Đình Diệm tay sai nhà mày”. Tên chủ sự đạp chị bắn vào tường làm chị ngất lịm và những cuộc tra tấn chết đi, sống lại tiếp tục. Chị giật dây truyền bông tai ném xuống rồi nghiến răng nói: “ Mày cứ quay nữa đi, quay cho tao chết đi, tao không sợ, bỏ đây tao quay cho” nói rồi chị bứt dây trói, cầm lấy bình quat tít, người bung ra khỏi ghế, đầu lao xuống nhà và lịm đi…
Không còn cách nào khai thác, địch đành đưa chị đến Sở thú, nơi chúng có những phương thức tra tấn dã man khác. Lấy ghim cài đầu chị hì hục khắc vào tường: “ Tôi là Trần Thị Mỹ, quê ở Nam Định bị địch bắt ngày 19/8/1959. qua an ninh quân đội, trại Vân đồn, trại Lê Văn Duyệt, hôm nay quay về đây ”. Được mấy hôm địch lại bịt mắt giải chị đến chỗ tên Phan Khanh , một tên cáo già trong tra khảo tù nhân. Tên này dẫn chuyện mẹ chị ở Nam Định đã chết trong Cải cách ruộng đất hòng lung lạc, nhưng cũng không khai thác được gì ở chị.
Sau 5 năm tù đầy qua các nhà lao, nếm đủ mọi cực hình tra tấn dã man về thể xác, uy hiếp, khủng bố về tinh thần, nhưng với dũng khí phi thường của người Cộng Sản, Đinh Thị Vân đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Cách mạng, bảo vệ trọn vẹn mạng lưới tình báo do chị phụ trách. Lợi dụng chính quyền Sài Gòn liên tục đảo chính lật đổ lẫn nhau, chị đã thoát ra khỏi nhà tù năm 1964.
Kế hoạch “ Vụ mùa”
Đinh Thị Vân tiếp tục móc nối đường dây hoạt động và rất may toàn bộ mạng lưới tình báo vẫn nguyên vẹn. Nhiều cơ sở bí mật của ta đã chui sâu, leo cao vào các mục tiêu hết sức quan trọng của địch. Mọi người vẫn tin tưởng vào người chỉ huy, thông minh, gan dạ của mình, luôn tận tụy với công việc, thu thập những tin tức có giá trị gửi ra Bắc, trong đó có Bảy Đô,cận vệ cho tướng Nguyễn Khánh, Đào Ngọc Tuyển sỹ quan ngoại vụ Bộ Quốc phòng, bạn thân Đinh Thế Phiệt bạn chí cốt của Đại tá Thọ, một nhân vật có tiếng ở Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn…Mạng lưới của chị đã cung cấp sớm cho tổ chức những tin quan trọng về việc Mỹ đưa bao nhiêu quân vào miền Nam, bố trí giữa quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn, hỗn hợp quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh thành miền Nam, chiến dịch “ ba mũi tên”, “ tìm diệt” mà địch dự định tiến hành, âm mưu của địch trong chiến dịch Gian sơn- Xi ti với ý đồ đập tan cơ quan đầu não của Việt Cộng.
Lúc này cục diện miền Nam thay đổi có lợi cho ta. Trung ương quyết định chuyển cuộc đấu tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định, thực hiện bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968 mà tình báo gọi là kế hoạch “ Vụ mùa” Đinh Thị Vân trực tiếp hướng dẫn việc chuẩn bị “ Vụ mùa” ở Sài Gòn, tổ chức giao liên dẫn đường cho lực lượng ta ở bên ngoài vào. Tất cả tin tức đều được mạng lưới của chị kịp thời báo cáo Bộ chỉ huy Chiến dịch, kèm theo những ý kiến phân tích xác đáng. Vậy khi “ Vụ mùa” đã triển khai mà địch vẫn không hề hay biết.
Sài Gòn rung chuyển bởi cuộcTổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, Đinh Thị Vân bình tĩnh chỉ huy các chiến sỹ trong lưới, âm thầm làm nhiệm vụ cho, dù địch ra sức “ giăng câu, thả lưới” lùng sục, bắt bớ, thẳng tay đàn áp, bởi mạng lưới do chị phụ trách đã được “ hóa trang” giấu kín trong từng vỏ bọc khác nhau và hàng ngày công khai hoạt động giữa vòng vây của cảnh sát và mật vụ. Cho đến khi rút khỏi Sài Gòn, địch không hề hay biết về mạng tình báo của chị.
Anh hùng tình báo đầu tiên
Tháng 3/1969, và tình hình sức khỏe bị giảm súi sau những năm tháng bị tù đầy tra tấn giã man, hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt, cấp trên điều chị ra Hà Nội điều trị và phân công làm công tác huấn luyện. Ngày 25/8/1970 Đinh Thị Vân được tuyên dương Anh hùng LLVTND.và chị là Anh hùng đầu tiên của ngành tình báo quốc phòng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị được giao trọng trách vào Sài Gòn giúp cơ quan bảo vệ, xác minh, trả lại sinh mạng chính trị cho những đồng chí hoạt động trong lực lượng địch. Rồi chị trở về Hà Nội, xác minh một số cơ sở tình báo 1954 mà đã hơn 20 năm nằm trong bí mật, nay mới đủ điều kiện ra công khai.
Giữa lúc công việc bộn bề, nhận được tin chồng tuổi cao bệnh trọng, gia đình túng bấn lại đông con, chị xếp công việc rồi vội vã về quê thăm ông . Đây cũng là dịp chị gặp để trả nghĩa người con gái quê hương Vụ Bản, Đào Thị Sen năm xưa đã thay chị chăm sóc, phụng dưỡng ông suốt nhiều năm vất vả gian truân để chị yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ. Lúc ông qua đời chị lo toan chu tất, với tấm lòng quý trọng yêu thương, trọng nghĩa, vẹn tình. Năm 1977 chị được phong quân hàm Trung tá, năm 1990 thăng vượt cấp lên Đại tá.
Sau gần trọn đời cống hiến cho cách mạng , chị về hưu ở căn gác nhỏ trong ngôi nhà số 8 phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, sống thanh bạch, giản dị, khiêm tốn và thật sự trong sạch trong sự yêu mến và ngưỡng mộ của bạn bè, đồng chí. Chị mất vào ngày 11/12/1995. hưởng thọ 79 tuổi. Trong lời điếu đọc tại lễ tang Đại tá Anh hùng Đinh Thị Vân . Thiếu tướng Vũ Chính, thủ trưởng Tổng cục hai ( Bộ Quốc phòng) đã nghẹn ngào: “ Lời điếu trong giờ phút vĩnh biệt hôm nay không thể nói hết được những gì cần nói về cuộc đời của một người phụ nữ suốt đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Phẩm chất cao đẹp của nữ đồng chí Đinh Thị Vân cán bộ tình báo anh hùng khiến chúng ta trăn trở nghĩ suy … Với những cống hiến xuất sắc cho Tổ quốc, nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân thực sự là một huyền thoại của ngành tình báo quân sự Việt Nam. Năm 2014-2015 chị được đạt tên đường phố tại thành phố Nam Định và Thành phố Đà Nẵng.
Đinh Văn Sáu
( Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Lịch sử: “Họ Đinh với lịch sử phát triển dân tộc Việt Nam”do Viện sử học tổ chức tại Ninh Bình tháng 4 năm 2017.)